Food

Âm dương khí hóa luận

Âm dương khí hóa luận

ÂM DƯƠNG KHÍ HÓA LUẬN

  1. ĐẠI CƯƠNG:

Muốn chẩn đoán và điều trị bệnh chính xác và hiệu quả, ta cần phải tìm hiểu thật kỹ guồng máy của cơ thể gồm các cơ quan lớn nhỏ có cấu trúc và vận hành ứng hợp với Nguyên lý và Qui luật Cấu Tạo Hóa Thành Vũ Trụ:

–       Lý Âm Dương (Đồng Nhi Dị – Dị Nhi Đồng).

–       Biến Hóa Luật = Định Luật 8 (Tám Tượng = Bát Quái).

Theo quan điểm Dịch học, kể từ Vô Cực (Thái Cực) là nguồn gốc cấu tạo hóa thành tất cả mọi vũ trụ vô hữu thì Tôi – con Người và muôn loài vạn vật đều phải trải qua đường đi dĩ nhiên của Tạo Hóa là từ Chưa Thành Có (Tôi-Con người)  –  rồi Manh Nha Thành Có (Tôi-Con người)   – để Hóa Thành Có (Tôi-Con người).

Nói một cách tổng quát, tất cả đều được cấu tạo Hóa Thành đi từ siêu linh đến linh động, từ phôi thai khinh khí đến khí thế, tính chất, khí chất đến tế bào, tạng phủ kinh mạch rồi mới tiến đến da thịt gân xương lông tóc và tuốt đến ngoài ngọn.

Nếu bỏ qua vấn đề siêu siêu khí thể thì ta phải luận bàn ít nhất là từ khí thể (siêu linh) trở xuống đến đặc cứng (linh động). Đó là; khí thể đệ nhiên sinh biến thể tiến thoái hóa nhanh chậm nhiều ít qua nhiều giai đoạn như ta qui loại sau đây:

Âm Dương thể khí.

Âm Dương thể loãng.

Âm Dương thể sệt đặc.

Âm Dương thể dẻo dai.

Âm Dương thể cứng rắn.

Trong các thể trên, đâu đâu cũng có khí thể biểu hiện qua các đặc tính khinh trọng, ấm mát nóng lạnh, linh hiển nhanh chậm, vô hữu… nên gọi là Khí hóa.

Xưa nay, cứ cho Tâm, Can, Tỳ, Phế, Thận là bên trong, là gốc thì chưa đúng hẳn. Cái gốc chính là Khí Thể bên trong cấu tạo vận hành sinh hóa tế bào tạng phủ kinh mạch. Mọi sự chẩn đoán điều trị bệnh nếu cứ loanh quanh ở Tâm Can Tỳ Phế Thận hoặc Ngũ Hành Kim Mộc Thủy Hỏa Thổ là còn ngoài ngọn, ắt phải thua cả huyết học, thần kinh học, tế bào học, nguyên tử học, điện tử học…

Ngày nay, thế giới tiến bộ càng đi sâu vào lãnh vực vi mô và vĩ mô là đúng hướng, lần lần sẽ về đến siêu siêu thể khí, siêu siêu linh động, mới là cái gốc đáng học thuộc Vũ Trụ liên hành tinh vậy. Còn hiện tại, tạm thời Dịch Lý thời nhân nói từ Khí Thể trở xuống cho loài Người dễ hiểu chừng nào trí tri ý thức của nhân loại tiến xa hơn nữa, ta sẽ bàn sâu xa hơn.

  1. ÂM DƯƠNG KHÍ HÓA CƠ THỂ NGƯỜI TRONG TÁM TƯỢNG (BÁT QUÁI).

Vậy khi khí thể thái cực cấu tạo Hóa Thành cơ thể gồm hai phần, tạm phân ra:

–       Hữu hình: cơ quan tạng phủ, khí huyết, thần kinh tế bào.

–       Vô hình: kinh lạc, thần khí, thủy hỏa, năng lực.

Các lực lượng cơ quan lớn nhỏ siêu hình hữu hình trong cơ thể tuy đa dạng phức tạp, nhưng xét theo lý vô tư thì cũng không ra ngoài tám tượng Dịch lý.

Vì câu nói của tiền nhân ngày xưa cho rằng: “Học Dịch không phải là học về quẻ, về hào từ, về lời nói của Văn Vương và Khổng Tử mà để học về Âm Dương Biến Hóa” (Tập Y gia quan niệm – Y tôn tâm lĩnh), làm cho người đời sau không mấy quan tâm đến Dịch Tượng, nên Y học đã từ lâu gần như thiếu vắng Dịch Tượng. Chúng tôi không có ý phục hồi học thuật của Văn Vương và Khổng Tử mà chỉ muốn chứng minh rằng Dịch Lý phải có Dịch Tượng, nhờ Dịch Tượng giúp ta dễ đạt lý Dịch hơn.

Thật vậy, các Bạn đã từng trải qua môn Chiêm Nghiệm lý Dịch, Dịch lý báo tin ắt phải công nhận: đâu đâu cũng thấy có Dịch Tượng (Bát Quái), thì chẳng lẽ Y học không nhờ Dịch Tượng soi sáng thêm Y lý được hay sao? Đúng là, thỉnh thoảng các y gia có nhắc đến và dùng một vài Dịch Tượng để chứng minh chứ chưa thật là tận dụng khai thác triệt để chuyên sâu rốt ráo Bát Quái.

Là một Dịch Y sư, bắt buộc chúng ta phải thấy biết được từng cơ quan nội tạng của cơ thể, từng bệnh chứng mạch trạng, từng Dược Tánh huyệt vị thuộc tính lý của Tượng nào trong Tám Danh Ý Tượng Dịch để khi chẩn đoán điều trị được hiệu quả cao hơn. (Xem bài tám Tượng ở cơ thể người và dược thảo).

Tám Tượng đơn được cấu tạo bởi Âm Dương, tùy theo tỉ lệ vị trí và phương thức phối hợp giữa hai yếu tố Âm và Dương sẽ có một trong tám hình thức trạng thái giống mà hơi khác nhau … quá khác nhau.

Bởi Âm Dương rất quan trọng nên ta phải học để có đức tin là: “muôn đời và khắp nơi đều do Âm Dương cấu tạo Hóa Thành”. (Nhất Âm nhất Dương chi vị Đạo).

III.   LÝ ĐỨC TÁNH CỦA ÂM DƯƠNG (THEO HẬU THIÊN)

Âm Dương là hai danh từ để chỉ chỗ giống mà khác – khác mà giống (Đồng Nhi Dị – Dị Nhi Đồng) nơi muôn vật, bất kể đồng dị nhiều ít ở phạm vi nào.

Có ba nguyên lý vận động cơ bản của Âm Dương:

  1. Âm Dương cùng lúc chung cùng:

Đồng dị (Âm Dương) nơi muôn vật tuy đối đãi mà thống nhất. Âm Dương bất khả phân ly: Âm đâu Dương đó, Dương đâu Âm đó.

Yếu tố nào có Âm tính, Âm lực nhiều hơn thì gọi là Âm: Hư, Ngưng, Trụ, Tiềm thuộc về âm.

Yếu tố nào có Dương tính, Dương lực nhiều hơn thì gọi là Dương: Khởi, Vũ, Hiển, Như thuộc về dương.

Âm Dương luôn luôn ở trong trạng thái tương đối. Không có vật việc chi thuần túy Âm hoặc thuần túy Dương vì không có gì hoàn toàn đồng hoặc hoàn toàn dị. Chỉ có Âm nhiều Dương ít gọi là Thái Âm hoặc Dương nhiều Âm ít gọi là Thái Dương.

Trong mỗi sự vật đã có sẵn Âm Dương cùng lúc chung cùng cơ cấu, vận động và biểu hiện giống mà hơi khác hoặc quá khác ở mỗi thời điểm tùy thuộc mức độ, tỷ lệ, vị trí, chiều hướng nhiều ít, mạnh yếu, xa gần, trên dưới, trong ngoài…

Xưa nay, người ta hay dùng hình đồ Thái Cực để biểu tượng Lý Âm Dương Dịch Biến tức Đồng Dị Biến Hóa – Biến Hóa Đồng Dị: trong đồng có dị, trong dị có đồng, trong Âm có Dương, trong Dương có Âm.

Hoặc dùng vạch đứt liền để diễn đạt lý Âm Dương đồng dị Biến Hóa. Mong đừng ai hiểu lầm vạch đứt là hoàn toàn Âm, vạch liền là hoàn toàn Dương hoặc Tượng Khôn là thuần Âm không có Dương, Tượng Kiền là Thuần Dương không có Âm, để đi đễn chỗ sai lầm nghiêm trọng cho rằng chỉ có Tượng Thủy hay Tượng Hỏa mới đủ lý trong Âm có Dương và trong Dương có Âm. Bất cứ cái học nào chấp né về hình tượng, về danh từ như vậy đều không đúng tư cách lý học (vạn vật qui nhất lý).

  1. Âm Dương Nội Ngoại Vận Hành Tụ Tán:

Mọi vật nếu chưa thành thì thôi, mà hễ đã Thành thì tự nó đã sẵn cái lý Trên Dưới, Trong Ngoài (Tam Tài), Thượng Trung Hạ Tả Hữu (Tứ Trụ).

Đồng Dị Âm Dương Nội Ngoại Thượng Hạ Tả Hữu của vật đó tự có sẵn Tánh Biết Hóa Ra Biết Trở nên Vận Hành Biến Hóa thành ra có vấn đề Tụ – Tán.

Âm Dương biến động, biến đổi, biến hóa quây quần xoáy ốc tạm gọi là Tụ, còn mở rộng khoáng trương tạm gọi là Tán.

Ví như; khí Âm Dương trong phôi thai có vận hành tụ tán liên lũy mới Biến Hóa, Hóa Thành các tế bào bộ phận thượng trung hạ trong ngoài khác nhau. Và riêng, trong từng cơ quan tế bào thượng trung hạ trong ngoài của nó cũng khác nhau, có khi quá quá khác nữa.

Về mặt điều trị, món thuốc hoặc bất kể thứ gì khi đưa vào cơ thể thì nó cũng sẽ đi trong luật này. Nó, sẽ có thích hợp hoặc không thích hợp nhiều ít cho trong ngoài trên dưới của từng nơi, từng cơ quan, từng loại tế bào… và rồi nó cứ tiếp tục Biến Hóa, biến động, biến đổi mãi trong chuỗi lý cấu tạo Hóa Thành để Hóa Thành thế nọ thế kia cho cơ thể, chứ không tiêu mất hẳn ngay.

  1. Âm Dương hướng thượng dẫn hạ.

Trong một sự vật, Âm Dương có sức hướng thượng dẫn hạ nếu đủ điều kiện. Âm Dương có thăng có giáng. Dương có thăng có giáng. Chứ không phải chỉ có Dương mới thăng, âm mới giáng như một vài sách nhất định. Tuy nhiên, nếu nói Lý Đức Tính của Dương thường thăng, của Âm thường giáng thì có thể tạm chấp nhận theo qui ước chung.

Ví dụ: Trong thân người được qui ước:

Dưới chân được lý là hạ, đỉnh đầu được lý là thượng thì phần bụng được lý là trung. Vậy, khí Âm Dương đủ sức hướng thượng lên đến đỉnh đầu, đủ sức dẫn hạ tới bàn chân, chứ không chỉ vận hành tụ tán ở bụng ngực hoặc Tâm Can Tỳ Phế Thận mà thôi (điển hình là 12 kinh và 2 Mạch Huyệt Vị châm cứu).

Khí Âm Dương vận hành tụ tán trong ngoài trên dưới hướng thượng dẫn hạ toàn cơ thể nơi nào cũng có, kể cả ở những đơn vị nhỏ nhặt vi mô như tế bào, nguyên tử điện tử…Vì, Âm Dương khí thể là lực lượng siêu nhiên sẵn có khắp nơi. Nếu ta không chú ý đến điều này thì việc chẩn đoán và điều trị chỉ là ở ngoài ngọn. Âm Dương Khí Thể mới là cái gốc tạo sinh mệnh con người và muôn vật. Cái tệ hại của người đời là thường “săm soi ngoài ngọn, gốc sùng không hay”.

Để cho rõ thêm cái Lý Âm Dương cùng lúc chung cùng nội ngoại vận hành tụ tán hướng thượng dẫn hạ trong ngoài cơ thể người và muôn vật, chúng ta nương theo các đồ hình đã có của tiền nhân như Thái Cực Đồ, Hà đồ… rồi ráp nối với Tám Tượng (Bát Quái) thành hình đồ dưới đây tạm gọi là Đồ Hình Chữ S (Vòng càn khôn Âm Dương Khí Hóa hoặc Âm Dương Khí Hóa Vận Hạnh Đồ).

Thành lập đồ hình S theo ba (3) nguyên lý: Hình Thái cực đồ

–       Âm Dương cùng lúc chung cùng.

–       Âm Dương nội ngoại tụ tán.

–       Âm Dương hướng thượng dẫn hạ. Tức là theo qui luật Âm Dương tiêu trưởng ẩn hiện (Âm Dương trưởng hiện ra ở bên ngoài và trên dưới, Âm Dương tiêu ẩn vào trong chính giữa).

Chú giải:

  1. a) Tâm điểm vòng tròn là gốc (Vô cực) gồm có chân âm chân dương quân bình sinh hóa, là nơi phát xuất thiên cực Âm hay thiên cực Dương (Thái Cực).
  2. b) Vòng tròn tượng trưng âm dương biến hóa vô cùng tận, không phân được đầu mối.
  3. c) Trục Quân Bình Sinh Hóa (Trục Âm Dương): trục Tung Hoành giao tại tâm điểm vòng tròn. Có thể xoay qua lật lại, lộn lên đảo xuống thế nào cũng được (Vòng tròn = Thái cực).
  4. d) Theo lý tượng Tốn và Đoài giống nhau, tượng Cấn và Chấn giống nhau, nhưng theo chiều nhìn qui ước của con người thì các tượng đó có phân biệt âm dương trên dưới trong ngoài khác nhau.
  5. e) Đường cong chữ S biểu diễn chiều hướng biến thiên của Âm Dương. Theo qui ước:

–       Lý Đức Tánh thiên cực Dương: Khởi-Vũ-Hiển-Như từ dưới lên trên, từ trái qua phải. Dương trưởng hiện, Âm tiêu ẩn. Từ Cục Âm (gồm các tượng Khôn Khảm Tốn) biến thành Cục Dương (gồm các tượng Chấn Ly Đoài Kiền).

–       Lý Đức Tánh thiên cực Âm: Tiềm-Trụ-Ngưng-Hư từ trên xuống dưới, từ phải qua trái. Âm trưởng hiện, Dương tiêu Ẩn. Từ Cực Dương hóa thành Cực Âm.

Âm Dương luôn luôn manh nha biến động, biến đổi, biến hóa thiên cực trong phạm vi Âm Dương tức cả Âm và Dương đều phải động biến thành Âm Dương Bộ mặt mới. Âm cực biến sinh Dương. Dương cực hóa thành Âm. Chiều hướng manh nha – Cực Biến Hóa – Hóa Thành Âm Dương Bộ Mặt Mới là diễn tiến Thiên Cực Âm hoặc Thiên Cực Dương.

Diễn tiến thiên cực là những giai đoạn nối tiếp liên tục có tuần tự và trật tự bắt buộc phải trải qua dù Âm Dương biến hóa nhanh chậm tiêu trưởng ẩn hiện đồng dị đến mức độ nào.

Âm Dương biến hóa theo một qui luật nhất định gọi là Biến Hóa Luật và diễn tiến Thiên Cực Âm Dương là mô hình của Biến Hóa Luật. Lẽ dĩ nhiên diễn tiến Thiên cực Âm hoặc Thiên Cực Dương phải giống mà hơi khác nhau.

Theo Hậu thiên học ước định: Âm tỉnh, nhu, chậm… so với Dương động, cương, nhanh… nên Thiên Cực Âm thường tĩnh, nhu, chậm hơn thiên cực Dương thường động, cương, nhanh.

Âm hoặc Dương Bộ mặt cũ lúc nào cũng có hai chiều hướng thiên cực:

Âm hoặc Âm hơn hoặc sinh Dương

Bộ mặt cũ   –    Dương hoặc Dương hơn hoặc sinh Âm    –    Bộ mặt mới

  1. ÂM DƯƠNG HÌNH HIỂN TRONG NGOÀI CON NGƯỜI

Mọi vật, hễ có lý đó thì có Tượng đó, có Tượng đó thì có Lý đó. Xin nhớ Âm đâu Dương đó, có nghĩa là phải có phạm vi mới phân định được Âm Dương, mà phân định cũng chỉ là theo qui ước của con người mà thôi.

  1. Âm Dương Trong 12 Đại Phạm Vi Căn Cơ Của Vũ Trụ.

Trong Vũ trụ có muôn trùng thiên Phạm vi Âm Dương không thể kể hết gọi là Âm Dương Trời Biển Tình Ý. Ở đâu có giống (Đồng) mà khác (Dị) hoặc có khác (Dị) mà giống (Đồng) bất kể về gì thì ở đó có Âm Dương vì Đồng dị là nghĩa lý đích thật của Âm Dương. Đồng Dị ở đâu cũng có nên khắp nơi đều là Âm Dương. Loài người và muôn vật có học hoài, học mãi cũng chỉ làm sáng tỏ thêm Lý Đồng Nhi Dị – Dị Nhi Đồng tức Lý Âm Dương của Tự Nhiên mà thôi.

Do đó chỉ cần nắm vững Yếu lý Đồng Nhi Dị – Dị Nhi Đồng tức Lý Âm Dương trong 12 Đại Phạm vi Căn Cơ của Vũ Trụ, Khi gặp bất cứ phạm vi nào khác thì cứ theo Lý Âm Dương Đồng Dị mà phân định Âm Dương không khó. Dĩ nhiên ở phạm vi nào thì Âm Dương có tên thích đáng cho phạm vi đó, chẳng hạn sáng – tối, hàn – nhiệt, hư – thực, biểu – lý, động – tỉnh, vô – hữu, tiên – hậu v.v…

Âm Dương của:

1-     LÝ: là Vô Hữu Lý hoặc Hữu Vô Lý tức Lý gồm cả Vô Hữu, Lý Biến Dịch thay đổi từ Vô đến Hữu hoặc từ Hữu đến Vô Lý là Đồng Dị của Lý. Chỉ có Một (Lý) mà có Hai (Vô Lý-Hữu Lý).

2-     ĐỨC: là Manh Nha – Cực, Cực – Manh Nha.

3-     TÍNH: là Biến Hóa – Hóa Thành,Hóa Thành – Biến Hóa

4-     THỜI: là Khởi – Dứt, Dứt – Khởi

5-     THẦN: là Linh – Hiển, Hiển – Linh

6-     KHÍ: là Thanh – Trược, Trược – Thanh

7-     TÌNH: là Tụ – Tán, Tán – Tụ.

8-     THANH: là Trầm – Bổng, Bổng – Trầm.

9-     SẮC: là Sáng – Tối, Tối – Sáng.

10-   CHẤT: là Tinh – Tạp, Tạp – Tinh

11-   THỂ: là Đại – Tiểu, Tiểu – Đại. (nhuyển – to)

12-   HÌNH: là Ngay – Cong, Cong – Ngay.

Giá trị của 12 Đại phạm vi Căn Cơ này như là Vũ Trụ Biểu Nhất Lãm để đo lường trình độ văn minh của người vật tiến bộ tới đâu ắt có chủ trương học thuật nghiêng nặng cao thấp ở phạm vi đó nhiều hơn, còn các phạm vi khác được xem là thứ yếu, chớ không phải không có. Vì, bất cứ vật việc gì cũng có đủ cùng lúc tối thiểu 12 Đại phạm vi trên, chỉ có thấy biết hiểu được hay không và mỗi thời điểm chủ trương về phạm vi nào, quá thời sẽ chuyển đổi cái nhìn (vũ trụ quan, nhân sinh quan) rồi chủ trương duy gì đó (như duy tâm, duy vật, duy lý, duy linh, duy thần, duy nghiệm, duy thức v.v…) tức đề cao ở phạm vi khác nhau mà thôi.

Chẳng hạn, Đông Y chủ thuyết Khí Hóa, Tây Y chủ thuyết Chất Thể nhưng khi luận bàn, chẩn đoán, điều trị đều ít nhiều cũng có dựa vào Lý, Đức, Tính, Thời, Thần, Tình, Thanh, Sắc, Hình của Khí chất vậy. Không quá đề cao cũng không quá khinh miệt phạm vi nào e phạm sai lầm thiển cận nông nổi nhất thời. Dĩ nhiên, khi nói và làm là theo sức biết tới đâu ở một phạm vi nào đó, chứ không thể một lần nói làm đủ hết mọi phạm vi được. Mỗi phạm vi đều có cái hay riêng của nó nếu khéo biết vận dụng.

Y học ngày càng tiến bộ ắt phải phối hợp chặc chẽ cùng lúc nhiều phương pháp trị liệu thì mới đáp ứng nhu cầu bệnh chứng ngày càng đa dạng và phức tạp hơn. Người Thầy khôn khéo ắt biết lúc nào phải dùng Y lý trị, đức trị, tính trị, thời trị, thần trị, khí trị, tình trị, thanh trị, sắc trị, thể trị, hình trị… linh động phối trị chứ không giữ mãi một cách trị đơn thuần, chưa đủ hiệu quả. Đó gọi là Y học cải tiến hướng tới Y đạo tối ưu vậy.

Vì cơ sở y học hiện nay còn đang nặng về khí vật nên Dịch Y Đạo cũng nương theo luận Âm Dương ở phạm vi khí hóa và vật chất cho vừa trình độ y khoa. Còn các phạm vi khác như Lý, Đức, Tính, Thời, Thần… sẽ luận bàn kỹ hơn với người quan tâm độ cao. Do đó, chương này nói gọn trong đề tài: Âm Dương khí hóa luận. Chứ Âm Dương không chỉ đến khí là hết. Người xưa cũng như nay, hiểu Âm Dương sâu rộng lắm. Xin trích dẫn đoạn dưới đây để làm bằng.

Để tiện dụng, người phương Đông nhất là Đông Y thường phân tích Âm Dương sẵn cho nhiều phạm vi như:

  1. Âm Dương trong thời mùa khí tiết:

–       Trong một năm: mùa Xuân Hạ là Dương thì Thu Đông là Âm.

–       Trong một tháng: từ ngày 1-14 là Dương  thì 15-30 là Âm.

–       Trong 1 ngày đêm: ngày là Dương thì đêm là Âm

–       Trong 12 giờ: Tý đến Dần là Dương trong Âm.

Mão – Tỵ: Dương trong Dương

Ngọ –  Thân: Âm trong Dương

Dậu – Hợi: Âm trong Âm

–       Tiết Đông Chí là nhất Dương mới sinh.

–       Tiết Hạ Chí là nhất âm mới sinh.

Cho nên hai tiết ấy rất là thiết yếu (Chí nghĩa là cực, là tuyệt rồi lại sinh). Khí Âm cực độ thời khí Dương sinh, thế là từ không mà có khí. Khí Dương cực độ thời khí Âm sinh, thế là từ có mà không. Đó là ý nghĩa Âm Dương Biến Hóa.

  1. Âm Dương trong con người:

–       Con trai có nhiều Dương thuộc tính Dương.

–       Con gái có nhiều Âm thuộc tính Âm.

–       Trong thân người: lưng là Dương thì bụng là Âm, trên là Dương thì dưới là Âm. Ngoài là Dương thì trong là Âm.

–       Đầu là nơi Dương khí hợp lại là Dương.

–       Chân là nơi Âm khí tụ lại là Âm.

–       Khí là Dương mà huyết là âm.

–       Ngoài biểu dương thì ngực bụng là Âm.

–       Tay chân là dương thì ngực bụng là Âm.

–       Vệ khí đi ngoài mạch là dương thì vinh huyết đi trong mạch là âm.

–       Sáu tạng là Âm (Tâm, Can, Tỳ, Phế, Thận, Tâm Bào Lạc).

–       Sáu phủ là dương (Mật, Dạ Dày, Đại Tràng, Tiểu Tràng, Bàng Quang, Tam Tiêu).

–       Tinh trong trẻo là Dương, huyết nặng đục là âm.

Tinh huyết là chất thể nặng thuộc Âm, thần khí là khí lực nhẹ thuộc Dương.

  1. Âm Dương trong chứng bệnh:

–       Nói nhiều là Dương, nói ít là Âm.

–       Bệnh ưa sáng là Dương thì ưa tối là Âm.

–       Đêm ghê rét mà ngày yên tĩnh là Âm huyết vượng ở Âm phận.

–       Đêm yên tĩnh mà ngày ghê rét là Khí Âm lên ở trong khí Dương.

–       Đêm ngày cùng ghê rét là trùng Âm vô Dương (nhiều Âm mà ít Dương thời bổ Dương cho mạnh mà bớt Âm đi).

–       Đêm yên tĩnh mà ngày phát sốt là Dương khí vượng ở Dương phận.

–       Đêm phiền nóng mà ngày yên tĩnh là khí Dương hãm xuống ở trong khí Âm.

–       Ngày đêm đều phát sốt phiền táo là trùng Dương vô Âm (nên bổ âm cho mạnh mà bớt Dương đi).

–       Nếu ngày rét đêm sốt là Âm Dương biến cách khó toàn tánh mạng.

–       Người ta mới sinh thời là thuần Dương. Thuần Dương là khí Dương tinh khiết nhưng còn non nớt mà ít khí Âm trược, chứ không có nghĩa là chỉ có khí Dương mà không có khí Âm. Không được dùng thuốc hàn lương để công phạt khí Dương.

–       Khí Dương thường dư ra mà khí Âm (Âm tinh) thường thiếu, nên từ bé đến già phải lưu ý bổ Âm tinh (chớ không phải Âm huyết). Khí Dương thường dư ra (năng lượng: sản nhiệt thải nhiệt) nhưng không phải không cạn nguồn. Không nên dùng thuốc đắng lạnh (khổ hàn) để công phạt.

–       Dương là khí ấm, là sức nóng trong thân người, còn thời sống, tuyệt thời chết. Khí chết thì hình hài còn mà Dương khí mất, nên lúc nào cũng phải bảo tồn Dương khí.

–       Bổ Âm cũng phải tiếp Dương và bổ Dương cũng phải tiếp Âm là đúng vậy.

THỦY HỎA LÀ TRƯNG HIỆU CỦA ÂM DƯƠNG

Xưa nay trong Dịch Lý học, nổi tiếng là học thuyết Âm Dương, nhưng cũng không ít người theo học thuyết Thủy Hỏa. Họ cho rằng Thủy Hỏa là trưng triệu của Âm Dương; Thủy Hỏa bổ sung minh họa đầy đủ thêm yếu lý Đồng Nhi Dị (Lý Âm Dương). Bởi thế, trong kinh Dịch mới có hai đồ hình mà Hậu Thiên Bát Quái chủ yếu ở hai quẻ Khảm Ly là thủy hỏa.

Sở dĩ có vấn đề Tiên thiên và Hậu Thiên Bát Quái đồ là do tiền nhân quá lo cho hậu thế không thấu triệt yếu lý Đồng Nhi Dị trong hình vạch của quẻ Kiền và quẻ Khôn.

Dĩ nhiên, trên hình vẽ lấy mắt nhìn khó thấy được trong vạch đứt có liền hoặc trong vạch liền có đứt. Tiền nhân sợ người đời sau cứ nhìn thấy quẻ Kiền có 3 vạch liền (dương) thì cho là thuần Dương vô Âm, thấy quẻ Khôn có 3 vạch đứt (Âm) thì cho là thuần Âm vô Dương. Như vậy, hóa ra công lao của tiền nhân bấy lâu chỉ dạy lý Âm Dương Đồng Nhi Dị trở nên vô hiệu sao? Mặc dù đã biết bao lần, tiền nhân nhắc đi nhắc lại Lý Âm Dương Đồng Nhi Dị là một mà có hai, một mà hai, một là hai, trong Âm có Dương, trong Dương có Âm.

Nếu luận theo tiên thiên triết lý tuyệt đối thì Âm Dương là Một mà hai – hai mà một, tức cùng là một (vạch) mà có đứt liền là hai; phân ra làm hai vạch đứt liền cho mắt dễ nhìn thấy, chứ chỉ là một. Như vậy, không có vấn đề hoàn toàn Âm hoặc hoàn toàn Dương mà là trong Âm có Dương, trong Dương có Âm, trong đứt có liền, trong liền có đứt ẩn bên trong mới là chính lý. Điều này chỉ hội ý, hội lý để hiểu, chứ nhìn hình tượng không thấy được.

Nếu không có lý Âm cư Dương, Dương cư Âm thì thử hỏi trên của quẻ Cấn từ đâu mà có? Phải chăng Dương lúc nào cũng ẩn phục sẵn có trong Âm quẻ Khôn đợi đến lúc cực biến trưởng hiện kết tụ Hóa Thành Bộ Mặt mới là hào Dương phủ lên trên Tượng Khôn thành ra giống mà hơi hơi khác với Khôn là Cấn vậy.

Cũng vậy, hào Âm trên của tượng Đoài là từ Âm ẩn tàng trong Dương tượng Kiền manh nha cực Biến Hóa thành Bộ Mặt mới giống mà hơi hơi khác với Kiền là Tượng đoài.

Đến đây, có người xưa cũng như nay muốn triển khai cho đến hết ý, hết lý trong Âm có Dương, trong Dương có Âm bằng hình vạch nên đã nảy ý phóng đại:

Vạch đứt là Âm thì trong Âm có Dương phải là tượng: Khảm – Thủy (Hình).    

Vạch liền là Dương thì trong Dương có Âm phải là tượng:                                                                  Ly – Hỏa. (Hình)

Như vậy, nhìn tượng 3 vạch thấy liền lý Âm Dương tiêu trưởng ẩn hiện thượng trung hạ nội ngoại mà không cần phải hội ý, hội lý mới thấy biết như ở một hoặc hai vạch hoặc ở Tượng Kiền Khôn 3 vạch. Do đó, có lúc người ta vận dụng hai tượng Khảm Ly tức Thủy Hỏa thay cho hai tượng Kiền Khôn tức thiên địa và cho rằng thủy hỏa là trưng triệu của Âm Dương là Âm Dương hình hiển đúng cách nhất.

Tuy nhiên, theo quan điểm Dịch Lý Việt Nam, mỗi tượng trong Bát Quái đều biểu diễn lý Âm Dương Đồng Nhi Dị cả.

Mỗi tượng có lý đức tính hình tượng giống mà hơi khác nhau hoặc quá quá khác nên có vị trí và giá trị không hoàn toàn giống nhau. Do đó sự thay thế, đại diện cho tượng khác chỉ là gượng gạo tạm thời mà thôi và cũng không nên đề cao quan trọng hóa riêng tượng nào e sẽ kém vô tư.

Hơn nữa, khi xét toàn bộ quá trình diễn tiến thiên cực trong định luật 8 thì Kiền Khôn do Âm, đa Dương hơn, lại ở đầu và cuối của diễn tiến thiên cực Âm hoặc thiên cực Dương nên Kiền Khôn vẫn đủ tư cách biểu diễn Lý khởi dứt vô hữu (hư như), đầu đọc của mọi Biến Hóa, bao trùm cả Vũ Trụ (vũ là lý đức tính của Hỏa Ly, trụ là lý đức tính của Thủy Khảm). Nên, không phải vô lý khi nói Vũ Trụ muôn loài ở trong vòng Càn Khôn (Kiền Khôn), do Âm Dương cấu tạo hóa thành là vậy. Còn Thủy Hỏa chẳng qua là cái Dụng của Âm Dương Thể mà thôi. Do đó, không nên mãi mê chạy theo cái Dụng mà quên mất Bản Thể, ngày càng lầm lạc xa dần Nguyên Lý của Vũ Trụ là Âm Dương Lý là Yếu Lý Đồng Nhi Dị – Dị Nhi Đồng.

Con người và muôn vật sống động trong vũ trụ Vô Hữu Hình đều bị hoặc được giới hạn trong một thời điểm nhất định ở mỗi lúc (không gian-thời gian). Thời điểm đó được gọi là Phạm vi Tình Lý (Phạm Trù), có so sánh đối đãi Đồng Dị tức có Tình Ý Người Lý Luận sao đó nên gọi là phạm vi Tình lý Âm Dương.

Ở thời điểm rộng lớn thì phạm vi Tình Lý Âm Dương rộng lớn (Đại Phạm Vi). Ở thời điểm vừa hoặc nhỏ hẹp nhiệm nhặt là Trung Phạm Vi hoặc Tiểu Phạm Vi Tình Lý tự tư liên hệ trong Đại Phạm Vi.

Mọi sự lý khi tự tư liên hệ với nhau thì thành một Phạm Vi Tình Lý, một cục diện sống động mà ngày nay thường gọi là một chỉnh thể dù sự lý đó tự nhiên hay nhân tạo nhưng đang sẵn có dính dấp trong phạm vi Tình lý ấy.

Dù, phạm vi Tình lý lớn nhỏ nào cũng là một cái thành, đều do lý thành mà có, đều ngậm lý đồng dị Biến Hóa, có so sánh Âm Dương đồng dị đối đãi nên mới có Tên đó, Ý nghĩa đó.   

Vậy phạm vi tình lý chính là phạm vi Âm Dương, Âm Dương Đồng Dị ở phạm vi nào thì có Tình ý, ý nghĩa và Tên riêng cho phạm vi đó. Qua phạm vi khác thì Âm Dương Đồng Dị  có tình lý ý nghĩa và tên khác như phạm vi Vô Hữu, phạm vi Động Tĩnh, phạm vi Thủy Hỏa, phạm vi Hư thực, phạm vi Biểu lý, phạm vi Hàn nhiệt…

Còn danh Âm Dương để chỉ chung tổng quát về mọi trạng thái hiện tượng lý lẽ Đồng Dị của bất kể phạm vi nào. Do đó, danh Âm Dương lúc đầu không mang Tình lý riêng, không chỉ định cụ thể sự lý nào cả. Nhưng, dần dần do nhu cầu nhận thức, Tôi – Con Người có khuynh hướng phân định sẵn Tình lý, Sự lý nào thuộc Âm hoặc thuộc Dương và hậu quả là Tôi – Con Người chỉ biết được Âm Dương qua một số phạm vi Tình lý với ý nghĩa qui ước, sau cùng Tôi Con Người học hiểu chết nghĩa về Âm hoặc Dương phải là thế này, thế nọ. Người đời cứ truyền lưu cái học Âm Dương hạn hẹp đó mới sanh ra tranh cãi lung tung. Chứ họ đâu có ngờ Âm Dương là cái lý Đồng Nhi Dị – Dị Nhi Đồng nơi muôn vật, và Âm Dương không là gì cả, Âm Dương là cái gì đó, nên Âm Dương là tất cả.

Như, trong phạm vi Dịch biến gồm có Động Tĩnh lẫn lộn Tôi Con Người bèn qui ước cho Tĩnh là Âm, động là Dương. Chứ sự thật Tĩnh là Âm Dương Âm, động là Dương Âm Dương vì Tĩnh có Đồng Dị của Tĩnh, Động có Đồng Dị của động mà Đồng Dị là Âm Dương như đã định nghĩa.

Các phạm vi khác cũng vậy, người ta quen cho:

–       Trên là Dương thì dưới là Âm.

–       Ngoài là Dương thì Trong là Âm.

–       Mạnh là Dương thì Yếu là Âm.

–       Sáng là Dương thì Tối là Âm.

–       Thanh là Dương thì Trược là Âm.

–       Thực là Dương thì Hư là Âm.

–       Hữu là Dương thì Vô là Âm.

–       Nam là Dương thì Nữ là Âm.

Nếu cứ tiếp tục phân định Âm Dương như thế thì Vũ Trụ có muôn loài vạn vật làm sao phân loại cho hết từng thứ một được. Nên, Tôi Con Người lại phải qui ước tổng quát chung đại khái Âm Dương có tính lý như vầy:

Âm là tĩnh, vô, yếu, chậm, tối, dưới, trong, lạnh, ướt, dơ, nặng, giáng, lắng, chìm, thu, nhập…

Dương là động, hữu, mạnh, nhanh, sáng, trên, ngoài, nóng, khô, sạch, nhẹ, thăng, bung tỏa, nổi lên, phóng đi, xuất ra…

Đó là cái học Âm Dương theo Hậu Thiên của nhân thế, không thể một sớm một chiều chỉnh chính được. Vậy, khi ta vào nhân thế phải hiểu rõ ngọn nguồn và giá trị của Âm Dương theo Hậu Thiên học là sao, theo Tiên Thiên học là thế nào để thông cảm và hướng dẫn người đời cho đúng Âm Dương Danh:

Âm Dương ở Danh vị chí tôn Tiên Thiên tuyệt đối là cái thể của Lý Đồng Nhi Dị bất khả phân ly.

Âm Dương ở Danh vị khắp nơi Hậu Thiên tương đối là cái Dụng của Lý Đồng Nhi Dị hình hiển tạm phân tách đặt tên gượng ép được lý như là Sáng so với Tối, Nóng so với Lạnh…

Trích Kinh Dịch Xưa và Nay, Lương y Phan Quốc Sử.

Author’s Posts