Food

Cơ cấu xã hội thiên nhiên - Phần 2 (2 Phần)

CƠ CẤU XÃ HỘI THIÊN NHIÊN (Phần 2)

Để môn Giao Dịch Xã Hội của Thái sư phụ được truyền bá rộng rãi nay Vưu Thanh xin Gửi Nguyên văn các bài của Thái sư phụ về môn này.

Trích: Kinh dịch xưa và nay, Tác giả: Nam Thanh Phan Quốc Sử.

BỐN NHU CẦU ÂM DƯƠNG CƠ BẢN:

  1. Nhu cầu hữu lý, chính lý, được lý là Âm, là Dương

Lấy gì gọi đó là Âm, đó là Dương? Nếu không có cái giống mà hơi khác nó (Đồng Nhi Dị) so sánh ban nghĩa. Một mình Âm là vô lý, một mình Dương là vô lý. Muốn được hữu lý thì phải có cả hai cùng lúc hoặc một hiện một ẩn. Vậy Âm Dương cùng có nhu cầu được hữu lý, chính lý, bởi nhau nên cả hai đều phải có cùng lúc một lượt về phương diện Danh Lý.

  1. Nhu cầu diễn tiến sống động: thiên cực Âm hoặc Dương.

Tất cả mọi sự vật việc đều phải chịu Lý Đồng Nhi Dị tức phải giống mà hơi khác nên phải Manh Nha – Cực – Biến Hóa – Hóa Thành mãi một cách tự động, bị động hoặc thụ động.

Khi Âm hoặc Dương Đồng Nhi Dị với chính nó trong sâu kín lặng lẽ của nó thì nó đã manh nha tức đã động, mà động trong sâu kín nhiệm nhặt nên gọi là manh nha động hoặc tĩnh. Diễn tiến sống động của chúng theo chiều hướng thiên cực:

Âm manh nha động sang Dương

Dương manh nha động sang Âm.

Tính lý manh nha thiên cực sẵn có ở tận trong sâu kín của mỗi mỗi Âm Dương nên đó cũng là đường đi dĩ nhiên của Tạo Hóa.

  1. Nhu cầu quân bình sinh hóa giữa Âm và Dương

Do mức độ, tỷ lệ và vị trí của mỗi Âm Dương có thừa thiếu cần quân bình sinh hóa nên phát sinh vấn đề cung cầu thừa thiếu. Xin lưu ý trong cung có cầu, trong cầu có cung. Cung mặt này cầu mặt khác. Cầu mặt này cung mặt khác. Chưa kể cung cầu chân giả đã nói ở những đoạn trên.

  1. Nhu cầu Đồng hóa, Dị hóa: Âm Dương thiên thắng.

Trong Thiên Nhiên Xã Hội, muôn loài vạn vật cái này tồn tại tiến bộ phải nhờ vào cái kia nuôi dưỡng đó là nhu cầu Đồng Hóa cái khác – thu nạp cái khác.

Nhưng khi đồng hóa cái khác vẫn giữ bản sắc cá tính độc lập phân biệt cái khác, đó là nhu cầu Dị Hóa – giữ gốc.

Do nhu cầu Đồng hóa Dị hóa này mà Âm Dương phải thiên thắng tranh cường – lấn áp, thu liểm, diệt hại lẫn nhau – Nhưng cuối cùng dù thế nào cũng vẫn không có kẻ thắng người bại. Thắng mặt này, bại mặt khác. Nên vẫn tồn tại cả hai mặt của vấn đề là Âm Dương muôn đời, vì muôn loài đâu có loài nào tự tung tự tác theo ý mình hoàn toàn được mà phải theo qui luật tự nhiên của tạo hóa sinh khắc cùng lúc. Có sinh hợp thì có khắc hợp, có khắc hợp thì có sinh hợp. Tất cả phải mãi mãi chung hợp, rồi trong chung hợp đó tùy thời lúc sinh khắc tiêu trưởng lẫn lộn, cũng vẫn trong vòng chung hợp sống động bằng cách này hay cách khác – không thể lìa nhau được.

Thiên hạ sự đa đoan rắc rối dở khóc, dở cười phần lớn cũng tại nhu cầu Đồng hóa Dị hóa, thu phóng, tụ tán, chiếm hữu, tách biệt này. Riêng trong phạm vi ý thôi: thiên hạ đảo điên, điên đảo chẳng phải vì đồng ý và bất đồng ý sao?!

Lúc Đồng, lúc Dị – từ Đồng phải Dị, từ Dị phải Đồng. Muốn Đồng được không, muốn Dị được không?? Chẳng phải chỉ riêng sức người muốn không mà được, chắc hẳn phải có Ý Trời tham dự mới nên vậy. (Tại Trời sui khiến nên chúng mình gặp nhau).

  1. NHU CẦU ÂM DƯƠNG TRONG TÌNH ĐỜI, TÌNH NGƯỜI:

                                                         DANH- LỢI- TÌNH.

Tình Đời, Tình Người mãi mãi đi trong Danh-Lợi-Tình chung riêng, thầm kín hay biểu lộ, cao thượng hay thấp hèn, tích cực hay tiêu cực.

Không ai có thể chối nhận được là mình không có những nhu cầu tâm sinh lý thực tế hoặc mơ ước đòi hỏi cần phải thỏa mãn ít nhiều. Có thể qui những nhu cầu loài người, muôn vật vào ba phạm vi lớn tiêu biểu là Danh-Lợi-Tình.

Mọi sinh hoạt giao dịch giữa con người với con người, giữa con người với muôn vật không ngoài Danh Lợi Tình theo nghĩa rộng, hẹp. Vì Danh Lợi Tình thừa thiếu, con người và muôn vật phải cung cầu thỏa mãn lẫn nhau:

Chưa có Danh thì cầu Danh.

Chưa có Lợi thì cầu Lợi.

Chưa có Tình thì cầu Tình.

Có Danh rồi thì cầu thêm Danh nữa hoặc cầu Lợi, cầu Tình

Có Lợi rồi thì cầu thêm Lợi nữa hoặc cầu Danh, cầu Tình

Có Tình rồi thì cầu thêm Tình nữa hoặc cầu Danh cầu Lợi

Có Danh Lợi Tình vừa đủ ở mức độ thấp thì cầu có ở mức độ cao nữa.

Được Danh Lợi Tình riêng thì cầu Danh Lợi Tình chung hoặc ngược lại, được cái chung thì lo nghĩ tới riêng tư hoặc chung tư lẫn lộn…

Lòng tham cầu Danh Lợi Tình không có giới hạn. Nó không hẳn là tốt hay xấu. Nó là một thực tế, một thực tại hiển nhiên, là một nhiên tánh luôn luôn có sẵn trong muôn loài vạn vật. Nó là một nhu cầu chánh đáng để Tạo Hóa, để sinh tồn, để tiến bộ. Nếu ai quá lạm dụng Danh Lợi Tình không đúng đắn thì mới bị chê trách và phải chịu hậu quả nặng nề.

Vì lòng tham cầu Danh Lợi Tình là một nhiên tánh, nên Đạo Đức của Tạo Hóa, của con người và muôn vật được xây dựng cơ bản và được đánh giá bởi Danh Lợi Tình.

Nếu không có Danh Lợi Tình làm động cơ, làm hấp dẫn lực thì lấy gì cuốn hút muôn loài vào vòng sinh hóa, ngày càng sáng tỏ Đạo Trời.

Mọi sự cố gắng chống chọi, vượt thoát, tiêu diệt Danh Lợi Tình đều uổng công vì không thể làm được, càng cựa quậy càng lún sâu, vướng mắc lưới Danh Lợi Tình khắp nơi. Như thế chẳng khác gì mình tự phản bội lấy mình, phản bội Tổ Tiên, phản bội Trời Đất đã dầy công bồi đắp Danh Lợi Tình chính đáng để tạo ra và nuôi dưỡng mình lớn lên – Ta là ai mà dám nghịch thiên, nghịch địa vô ơn bạc nghĩa, tội này ắt Trời không dung Đất không tha.

Những người đạo đức giả, trí thức giả làm sao biết được nguồn gốc danh, lợi, tình là thủy tổ của họ. Họ làm ra vẻ không màng, chán ngấy Danh Lợi Tình để gạt người, dối đời, chứ sự thật họ tính toán Danh Lợi Tình hơn ai hết, bỏ Danh Lợi Tình này để lấy Danh Lợi Tình khác. Trước sau họ cũng không bỏ được, thoát được Danh Lợi Tình. Họ càng chối nhận, chê trách Danh Lợi Tình thì càng chứng tỏ họ là hạng người kém trí thức, kém đạo đức hơn ai hết. Phật Tiên Chúa Thánh Quỷ Thần, Con Người và Muôn Vật không ai không có danh lợi tình mà lập Đạo, tạo Đời được. Chúng ta phải suy xét cẩn thận điều này, kẻo không sẽ ân hận vô cùng.

Tóm lại: Danh Lợi Tình là một sự thật, có thật chứ không phải mơ ước vọng tưởng. Tất cả đều cần nó, dùng nó, trong từng giây phút trên mọi nẻo đường, sao lại vô ơn chối bỏ nó. Nó có tội tình gì. Tội tình chăng là con người ta hiểu sai lệch về nó, vận dụng nó tầm bậy nên nó gây ra biết bao thảm cảnh tai họa cho loài người. Đừng đổ oan, trách oán cho nó.

Người khôn ngoan không chối nhận trốn chạy sự thật Danh Lợi Tình mà dám nhìn thẳng, tiếp cận, khống chế, thuần hóa nó thành bạn tri âm đa năng đa hiệu đắc dụng trên đường Đời Đạo.

Động thái Danh Lợi Tình của ta phải thật khôn khéo. Người đời thường đến với ta bằng Danh Lợi Tình chơn giả thì ta cũng phải chơn giả Danh Lợi Tình đối đãi.

Chúng ta hãy nghiệm xét bài thơ của Sư Tổ là Dịch Lý Sĩ Xuân Phong dạy như sau:

Chúng nhân năng giả bất năng chơn (1)

Biến hóa Âm Dương quyết thiệt hơn (2)

Giả giả chơn chơn tùy thế thế (3)

Khôn chơn khéo giả đạo hành nhân. (4)

NAM THANH chú giải:

Câu 1: Đa số người đời thường giả dối nhiều hơn là chân thật vì muốn thủ đắc Danh Lợi Tình nào đó.

Câu 2: Muốn thủ đắc Danh Lợi Tình thì Loài Người đã đang sẽ làm gì? – Phải dùng mọi kiểu cách mưu trí phương tiện biến hóa đổi thay chân giả quyết liệt, tranh hơn thua thắng bại sinh tử với nhau.

Câu 3: Vậy ta ở trong cuộc nhân sinh phải làm sao? – Tùy thời thế mà chơn giả biến hóa.

Câu 4: Chơn giả phải thật khôn khéo:

Chơn thật phải đúng lúc

Giả dối phải khéo léo như thật.

Đó là cách hay nhất để làm sao vào lửa không “sợ chết cháy” vào nước không “sợ  chết chìm”.

Người học Dịch phải cố công tu học để có được khả năng bản lĩnh như thế mới mong tự thân tồn tại tiến bộ, tự giác mới giáo tha, mới giúp ích  được cho Đời Đạo mà không gây thêm tai họa cho mình cho Người. Đó là Đạo làm Người.

Trích: Kinh dịch xưa và nay, Tác giả: Nam Thanh Phan Quốc Sử.

Author’s Posts