Điểm Đồng Dị giữa Dịch Lý Việt Nam và Dịch Học Trung Hoa
1 – Cách lập quẻ:
Bốc Phệ chánh tông, Tăng san Bốc dịch: Cách lập quẻ của Bốc phệ phức tạp, sau khi có được tượng quẻ phải nạp giáp cho tượng quẻ để xác định Lục thân, Lục Thần, hào Thế – Ứng..
Mai Hoa dịch và Dịch lý Việt Nam: Cách gieo quẻ (Hữu thường – Bất thường).
Cách thành lập: Chánh tượng, Hộ tượng, Biến tượng. Danh tượng, Danh lý, Danh ý, Hình tượng.
2.- Lý giải nguồn gốc Bát Quái Tiên Thiên:
Bốc Phệ chánh tông, Tăng san Bốc dịch, Mai hoa dịch: Truyền thuyết kể rằng vua Phục Hy thấy con Long mã xuất hiện trên sông Hoàng Hà, trên lưng có bức họa đồ 55 chấm trắng đen bèn theo đó thiết lập Hà đồ, vạch ra Bát Quái Tiên Thiên mở đầu Kinh Dịch. Có thuyết lại cho rằng Bát quái Tiên Thiên do Trần Đoàn hiệu Hi Di sống giữa đời Ngũ đại và đời Tống lập nên.
Dịch lý Việt Nam: Nguồn gốc Bát Quái Tiên Thiên: là do Âm Dương tương động, tương giao, tương cảm, sinh thành.
3.- Hào động và ứng dụng hào động:
Bốc Phệ chánh tông, Tăng san Bốc dịch: Động cả 6 hào, mỗi hào sẽ ứng với một mối quan hệ trong Ngũ tình: Phụ Mẫu, Tử Tôn, Huynh Đệ, Thê Tài, Quan Quỉ.
Mai Hoa dịch: Động chỉ 1 hào, hào động là để phân định Thể – Dụng (phân ngôi Chủ -Khách).
Dịch lý Việt Nam: Động 1 hào, hào động cho biết mức độ động biến, giai đoạn diễn tiến của sự việc.
4.- Phương pháp suy luận:
Bốc Phệ chánh tông, Tăng san Bốc dịch:
– Dùng phép Hỗn thiên Giáp Tý để xác định Lục thân. – Xác định Thế – Ứng, luận sinh khắc.
– Xác định Ngũ Thần: Nguyên, Dụng, Cừu, Tiết, Kỵ. – Xác định 12 cung Trường sinh.
– Xác định Lục Thú. – Xác định tứ thời vượng tướng, Nhật thần, Nguyệt kiến, Nguyệt phá, Không vong, luận sinh khắc với Dụng thần, để đoán định cát hung, phán đoán định kỳ.
Nhận xét: Với thật nhiều thông tin như thế làm cho người học thấy hình như tất cả mọi vấn đề họ thắc mắc đều được nêu lên trong quẻ Dịch. Người học chỉ cần ráp các mảng thông tin lại là có kết quả tiên đoán. Môn này chỉ cần người học chăm chỉ một chút, nhớ tốt một chút thì được. Thực tế động cả 6 hào như vậy, sẽ tạo ra một trạng thái hà lãng, không biết được đâu là trọng tâm của vấn đề, và sự việc đang diễn tiến đến giai đoạn nào.
Mai Hoa dịch: – Phương pháp này căn cứ vào lời quẻ và lời hào (hào từ) để đoán cát hung.
– Luận Ngũ Hành sinh khắc của Thể Dụng. – Xem tam yếu linh ứng.
– Căn cứ vào tự thân động tĩnh, quan sát sự nhanh chậm của hiện tượng tự nhiên, dựa vào Ngũ hành của Can, Chi, Thời mùa để dự đoán định kỳ.
Nhận xét: Khi luận đoán chỉ căn cứ vào lý luận sinh khắc có tính kinh điển, cứng nhắc. Người học sẽ cảm thấy dễ dàng hơn vì thông tin luôn có sẵn chỉ cần ráp lại với nhau rồi suy ra kết quả. Phương pháp này không cơ động tình lý ắt sẽ không thể nào đi sâu sát vào tình lý sự việc được.
Dịch lý Việt Nam: Chiết tính tình ý, so sánh, đối chiếu tình lý của sự việc với ý dịch tượng để tìm sự tương quan về giai đoạn diễn tiến của sự việc, vạch ra đường đi dĩ nhiên của tạo hóa.
Nhận xét: Cách luận đoán hoàn toàn dựa trên bờ mốc văn lý, rất cơ động, không có các bảng tra như các môn Lý học Đông phương khác. Người học Dịch lý Việt nam phải nắm vững Lý Dịch để tan biến vào từng phạm vi sự việc. Tuy nhiên đòi hỏi người dự đoán phải đắc đạo Dịch và có khả năng suy luận thật tốt thì mới có thể triển khai được. Đó là lý do môn học này rất kén chọn người học.
5.- Nội dung chính:
Bốc Phệ chánh tông, Tăng san Bốc dịch, Mai hoa dịch: Chỉ bàn luận các vấn đề thuộc phạm vi Hình nhi Hạ học (Hậu thiên): từ Vô cực trở về sau.
Dịch lý Việt Nam: Không chỉ bàn luận các vấn đề về Hậu thiên mà còn lý giải được nguyên ủy của sự biến hóa – hóa thành Vô cực (Tiên Thiên).
6.- Sở đắc tối hậu:
Bốc Phệ chánh tông, Tăng san Bốc dịch, Mai hoa dịch: Ứng dụng Bát quái Hậu thiên vào thực tiễn, cụ thể là vào thuật chiêm bốc.
Dịch lý Việt Nam: Biện minh chứng nghiệm được Chân Lý của vũ trụ.
Sài gòn ngày 06 tháng 8 năm 2014
Giờ Độn – Đồng nhân
Tâm Thanh