Một cậu bé trạc khoảng 15 tuổi muốn có tiền tiêu, thay vì chìa tay ra xin mẹ, cậu ta bèn nghĩ ra cách viết 1 tờ giấy gởi đến mẹ như sau:
1. Sáng phụ mẹ dọn dẹp giường ngủ: 2.000đ
2. Phụ mẹ dọn dẹp bữa ăn sáng 3.000đ
3. Sau khi đi học về coi em: 5.000đ
4. Phụ mẹ dọn bữa ăn tối, sau đó dọn dẹp: 10.000đ
Cộng: 20.000đ
Thời hạn thanh toán: Sáng sớm mai trước khi con đi học
Sáng sớm hôm sau bà mẹ đặt tờ giấy bạc 20.000đ trên bàn cho cậu ta và sau khi cậu rời nhà đi học, bà lật mặt sau tờ giấy lại và ghi như sau:
1. Mẹ mang bầu con 9 tháng 10 ngày: Miễn phí
2. Tiền tã lót, bệnh viện, sữa khi sinh con: Miễn phí
3. Tiền nuôi con từ lúc sinh ra đến nay: Miễn phí
4. Chi phí ăn học, chữa trị cho con khi ốm đau: Miễn phí
5. Phải nuôi con trọn đời nếu con tật nguyền: Miễn phí
6. Các khoản không thể liệt kê hết đều miễn phí cho con trai của mẹ.
Thời hạn chi trả cho con: Trọn đời Mẹ
Khi đi học về cậu chạy vô phòng, thấy tờ giấy cậu cầm lên đọc.
Rồi cậu lấy ra một tờ giấy khác và viết như sau:
Thưa mẹ, con xin lỗi mẹ…kể từ nay:
1. Phụ giúp mẹ miễn phí
2. Ráng học thành tài: Miễn phí
3. Sẵn sàng giúp đỡ mọi người: Miễn phí
4. Luôn quan tâm, săn sóc mẹ: Miễn phí.
5. Các khoản chi tiêu lo cho mẹ khi về già: Miễn phí
Thời hạn thực hiện: Trọn đời con
Sáng hôm sau, khi con còn đang ngủ, bà vẫn đặt tờ giấy bạc 20.000đ lên bàn cho con thì bỗng thấy tờ giấy mà cậu viết. Sau khi đọc xong, những giọt nước mắt lăn dài trên má bà mẹ song miệng vẫn nở một nụ cười và bà nghĩ rằng có lẽ đây là nụ cười mãn nguyện nhất từ khi sinh con ra đến nay.
Mẹ đã đau lòng đến thế nào khi sinh ra gã, mẹ cũng đã khóc quá trời khi từng ngày nhìn gã phải lớn khôn. Thật tâm mẹ muốn gã bé thơ mãi mãi, muốn ở mãi trong vòng tay mẹ. Mà mẹ cũng biết, ừ thì gã có lớn lên đó nhưng tâm hồn gã mãi mãi chẳng lớn lên được tí tẹo nào đâu.
Lúc còn nhỏ thì không sao, gã cũng không ấn tượng với dáng đi chấm phẩy của mình. Gã chỉ thấy sao vặn vẹo mà đau quá thôi, nhìn gã chập chững tập đi, mẹ gã nhìn gã mà khóc. Mắt mẹ khóc nhưng miệng mẹ cười, môi mẹ nói rằng, ráng bước đi đi con. Tự mình phải bước đi trên đôi chân của mình dù đôi chân ấy có khập khiễng, mẹ muốn gã hiểu ý nghĩa sâu xa đó, nhưng trí óc non nớt của gã “giới hạn” sự hiểu biết mẹ à. Nhưng mẹ an tâm, gã nhủ lòng, vì tim gã biết thổn thức khi nhìn mẹ khóc đấy thôi. Gã yêu mẹ nhất, và mẹ yêu gã nhất!
Khi gã lớn khôn, mà chỉ nói là nói thế thôi, chớ gã chỉ lớn mà chưa khôn ra bao nhiêu. Chẳng sao cả, gã vẫn sống bên cạnh mẹ. Lớn rồi gã cũng thấy sao nhà mình nhiêu đó hà, không có gì thay đổi, nhìn nhà hỏi mẹ chứ hỏi ai. Hỏi lần đầu tiên, duy nhất và từ đó gã chẳng hỏi thêm, bên cạnh thấy cái gì cũng to. Thắc mắc hoài không biết hỏi ai, hỏi rồi gã thấy mẹ khóc. Mẹ còn hỏi gã thích nhà to hay nhà nhỏ, thích cái gì thì nói mẹ mua cho, muốn ăn gì mẹ nấu cho. Sao mẹ cho mà mẹ khóc, sao mẹ nói mẹ cho mà mẹ lại buồn. Không giống như những lần mẹ cho gã gì đó trước đây… Ngây ngô gã hỏi, ngây ngô trả lời, rồi tự cái ngây ngô ấy gã cũng nhận sự khác biệt của mẹ mình và mẹ người ta. Mẹ mình tóc màu trắng, mẹ người ta tóc vàng vàng đen đen. Mẹ mình tay gân cục cục, mẹ người ta tay trắng và có nhiều màu vàng. Mẹ mình ở căn nhà nhỏ, mẹ người ta ở căn nhà to. Mẹ mình phải thức khuya dậy sớm, mẹ người ta cả ngày trong nhà thôi. Mà mẹ người ta thì thương người ta, mẹ mình cũng thương mình, đôi khi gã cũng thấy mẹ người ta thương mình nữa mà. Phải rồi, mẹ của ai người nấy thương, cũng như nhà của ai người nấy ở. Gã cũng có mẹ có nhà, tội gì làm mẹ khóc khi đặt câu hỏi như thế, gã biết mà, hiểu hết mà, chẳng qua gã không có nhiều từ ngữ để diễn đạt thôi. Buồn thật buồn cho kẻ biết suy nghĩ mà lại không thể diễn đạt, chỉ đứng bên rìa mọi thứ vô tình mà thôi.
Là trẻ con thì gã được mẹ chăm lo, lúc ấy tóc mẹ màu đen. Là người lớn thì gã phải chăm lo lại mẹ, vì tóc mẹ bây giờ màu trắng rồi.
Gã hiểu thế đấy, nhưng làm gì bây giờ, đôi chân khập khiễng, đôi tay khập khiễng… làm gì bây giờ? Đâu đó ở căn nhà to vọng qua lời nhạc “hai bàn tay trắng nghèo xơ xác nghèo…”. gã nghe sao hiểu vậy thôi!
Gã thấy thương mẹ quá trời quá đất.
Người ta nói ở đời chẳng có chi là đường cùng cả, gã còn có ích. Một lần mẹ bệnh, gã hớt hơ hớt hải bưng bê tô cháo về nhà cho mẹ (Mẹ vẫn bảo gã dại khờ lắm, dại khờ mà biết mẹ bệnh, dại khờ mà biết mẹ cần thuốc, dại khờ mà biết đi mua cháo, dại khờ mà biết chạy thật nhanh về với mẹ sao mẹ!). Nơi gã sống mọi người quen nhìn gã rồi, chẳng ai đâu ở không mà chọc với ghẹo, cũng chẳng ai nỡ làm tổn thương gã cả. Vì hễ là con người ai mà chẳng thương chẳng xót những gì thơ dại, bởi thế lần bưng cháo cho mẹ, người ta phát hiện ra gã vẫn còn có ích. Tức là có khả năng lao động kiếm tiền bằng chính sức mình. Từ sau hôm ấy gã thành anh bồi bàn, kêu thế cho nó sang chứ thật ra gã bưng bê hủ tiếu cho hàng hủ tiếu gần nhà thôi.
Bắt đầu bưng bê hủ tiếu và trở thành công việc thường nhật kiến cho gã vui, cho mẹ vui, cho tóc mẹ ít trắng đi một chút, cho mẹ không thở dài xót xa khi nghe câu hát:
“Mẹ già như chuối chín cây
Gió lay mẹ rụng con phải mồ côi
Mồ côi khổ lắm ai ơi…”
Mồ côi thì ai chẳng khổ, nhưng ai cũng biết với gã nỗi khổ ấy lớn lao biết chừng nào. Bây giờ hằng ngày, hai bàn tay gã vui, hai bàn chân gã vui, cái tô hủ tiếu gã bưng chẳng khi nào bị nghiêng dù gã đi nhiều người nhìn theo ái ngại, sợ đổ mất cái tô hủ tiếu. Mà được ăn hủ tiếu hồi hộp nhìn theo từng bước đi của gã đôi khi làm một vài người cho là thú vị, trước cái ăn phải có “sự kích thích” nào đó thì ăn mới ngon.
Người ăn hủ tiếu thích gã, gã thì thích bưng hủ tiếu, “cung” và “cầu” thoả mãn nên cả hai cùng khoái chí lẫn nhau.
Vậy là gã sống hạnh phúc bằng cái nghề bưng bê hủ tiếu của mình.
Nhưng mà, có một bữa trời mưa, có đứa bé ngồi chờ tô hủ tiếu của gã bưng đến, đứa bé hỏi chớ: “Chú bưng hủ tiếu suốt đời luôn hả chú?”.
À, nếu có bà mẹ đứa trẻ ở đó hẳn là sẽ la lên “Sao con hỏi vậy với chú, thôi lo ăn đi!” nhưng vì chú bé ngồi một mình và không có mẹ theo kèm, nên nhận được câu trả lời khó nhọc mà cũng khó hiểu từ gã rằng:
“Hủ tiếu là cuộc đời!”.
Đúng rồi, hủ tiếu đâu có chết bao giờ, hủ tiếu đâu có sợ thất nghiệp, hủ tiếu đâu có sợ người ta quên nó. Hôm nay không hủ tiếu thì ngày mai hủ tiếu, hủ tiếu chẳng biến đi đâu cả, chẳng bao giờ mất cả, ăn để sống là qui luật rồi mà! Gã chọn hủ tiếu là cuộc đời là chọn sự bất diệt trong những ngày sống có ích, ngày nào người ta chẳng ăn để sống, không ăn món này thì ăn món kia. Ngày nào cũng có người ăn hủ tiếu, không phải người này thì cũng là người kia. Đâu có gì khó khăn khi chọn hủ tiếu là cuộc đời đâu, gã ngày nào cũng lao động, lao động nhiệt thành nữa ấy chứ. Phải bưng bê bằng tay nè, đi bằng chân nè, suy nghĩ bằng đầu óc nè, suy nghĩ để giữ cho tô hủ tiếu không nghiêng nè. Đã làm việc hết mình như thế thì không đáng quý sao, không đáng trân trọng sao, không đáng được bù đắp gì đó sao. Gã đã có một cuộc đời sống hết mình trọn vẹn bên hủ tiếu, hơn bao giờ hết, mẹ gã hạnh phúc vì nhìn thấy như thế! Mẹ cứ yên tâm rằng gã biết chọn cuộc đời cho mình như thế mà mấy ai hiểu được.
o O o
Một lúc nào đó bạn vô tình có ăn hủ tiếu, hãy thử nhớ đến một gã trai như thế. Để thấy rằng làm một con người rất khó, chọn cho mình một cuộc đời còn khó hơn nhiều. Chọn rồi thì mình phải sống ra sao cho nó chu toàn, cho nó nồng nhiệt, cho cuộc đời mình có ích theo một cách nào đó. Chúng ta tự cho mình quá đầy đủ nhưng đôi khi ta không biết thế nào sống cho nó cảm thấy vừa vặn. Còn với gã, chọn hủ tiếu là cuộc đời dù rằng gã không trọn vẹn nhưng gã đã sống vừa vặn trong cái không trọn vẹn đó biết bao.
Được hết mình chạy tới ngày mai là sung sướng biết bao nhiêu vậy mà mấy ai trong chúng ta có thể làm được…
Bài này copy từ bài dịch của BS Linh và BS Vũ (BVCR)… Hy vọng sẽ giúp ích cho các bạn trong những dịp đi biển.
Khi đi biển có những mối hiểm họa gây chết người. Điều quan trọng đầu tiên là chúng ta nên tắm biển ở những bãi tắm có lực lượng cứu hộ chuyên nghiệp và tắm trong những khu vực được báo hiệu an toàn. Ngoài ra, trước khi cho con mình xuống biển, chúng ta cần quan sát bãi biển để tìm dòng chảy xa bờ (rip current) cũng như ước lượng độ dốc và độ sâu của bãi biển.
Dòng chảy xa bờ
Dòng chảy xa bờ là danh từ tôi tạm dịch từ “rip” hay “rip current”. Đây là một dòng nước mạnh chảy từ bờ hướng ra biển. Chúng ta biết là sóng sẽ đánh và đưa nước biển vào bờ, nhưng khi nước biển được liên tục đưa vào bờ thì chúng tập hợp lại thành một dòng đi ngược ra biển. Dòng nước biển đi từ bờ ra biển này được gọi là rip (hay rip current). (Ghi chú: tôi rất cám ơn nếu có anh chị nào cho biết danh từ chính xác hơn để dịch từ rip current)
Hình ảnh trên cho chúng ta thấy một dòng chảy xa bờ. Trong thí nghiệm này, người ta rắc chất màu sát bờ biển. Người ta quan sát thấy chất màu bị kéo ra xa bờ, chứng tỏ nơi đó dòng nước đi ngược từ bờ ra biển. Chúng ta cũng thấy nơi dòng nước đi từ bờ ra biển là vùng nước lặng, hầu như không có sóng. Dòng nước ngược này có thể ổn định không thay đổi trong suốt cả tháng hoặc cả năm, tuy nhiên chúng cũng có thể liên tục thay đổi mỗi vài giờ. Ở một số bãi biển, dòng nước ngược này không đi hướng ta biển mà chạy dọc theo bờ biển.
Vì sao chúng ta phải nhận ra dòng chảy xa bờ trước khi xuống biển? Vì chúng rất nguy hiểm.
Tại sao dòng chảy xa bờ nguy hiểm?
Dòng chảy xa bờ là được xem là một trong những nguy hiểm hàng đầu trên bờ biển. Nó cũng là nguyên nhân của hầu hết các trường hợp cứu nạn và chết đuối khi tắm biển. Dòng chảy xa bờ được ví như một dòng sông nhỏ sẽ cuốn tất cả những gì rơi vào nó xa khỏi bờ và đưa thẳng ra biển. Vận tốc trung bình dòng chảy có thể thay đổi từ 0,5 m/giây đến 1m/giây, khi đó không ai có khả năng bơi ngược nó để vào bờ. Có khi do những thay đổi đột ngột của sóng biển, vận tốc dòng chảy xa bờ có thể lên đến 2,5 m/giây, nhanh hơn cả vận tốc bơi của một vận động viên bơi lội Olympic! Dòng chảy xa bờ thường hẹp, có chiều ngang khoảng từ 1-3 mét. Tuy nhiên, có khi dòng chảy xa bờ rộng đến cả chục mét.
Dòng chảy xa bờ có thể cực kỳ nguy hiểm vì nó kéo người biết bơi ra xa bờ làm cho người biết bơi kiệt sức hoảng loạn rồi chết đuối do kiệt sức khi cố bơi ngược dòng chảy xa bờ.
Đối với người không biết bơi, dòng chảy xa bờ có thể kéo người đó ra chỗ sâu hơn dù người đó đang đứng ở mực nước ngang hông. Khi đó người không biết bơi sẽ hoảng loạn và có thể chết đuối. Mặt nước nơi có dòng chảy xa bờ thường lặng, ít sóng nên thường làm cho người ta hiểu lầm đó là nơi an toàn. Người ta sẽ di chuyển sang tắm nơi đó thay vì tắm nơi có biển báo an toàn. Khi người tắm biển bơi vào dòng chảy xa bờ đó, ngay lập tức họ sẽ có thể bị cuốn trôi ra biển.
Do đó, khi tắm biển, chúng ta cần nhớ rằng vùng nước lặng không có nghĩa là vùng nước an toàn.
Trong hình trên đây, nơi có sóng bạc đầu là nơi dòng nước đi từ biển vào gần bờ. Nếu chúng ta tắm biển nơi có sóng bạc đầu (breaking waves) thì chúng ta sẽ được sóng đánh đưa vào bờ. Tuy nhiên nếu chúng ta di chuyển vào tắm chỗ lặng sóng (giữa hai mũi tên) là chúng ta rơi vào dòng chảy xa bờ. Dòng sông nhỏ này sẽ lập tức kéo phăng chúng ta ra xa khỏi bờ và đưa thẳng chúng ta ra biển. Như vậy, vùng có sóng không phải là vùng nguy hiểm mà vùng lặng sóng mới chính là vùng nguy hiểm.
Một ví dụ khác như hình trên đây. Vùng không có sóng bạc đầu chính là dòng chảy xa bờ. Vùng này rất nguy hiểm dù chúng lặng sóng. Khi chúng ta đi vào vùng này, chúng ta có thể bị bị dòng chảy xa bờ cuốn trôi ra biển.
Làm thế nào để nhận ra dòng chảy xa bờ?
Trước khi xuống biển, bạn nên dành khoảng 5-10 phút để nhận dạng dòng chảy xa bờ trên bờ biển mà bạn sắp xuống tắm.
Bạn có thể nhận ra dòng chảy xa bờ nhờ những đặc điểm sau đây:
• Dòng chảy xa bờ có màu sậm hơn vì nơi đó nước sâu hơn.
• Dòng chảy xa bờ có mặt nước lặng hơn, thường có sóng nhỏ hơn
• Đôi khi chúng ta có thể thấy các mảnh vỡ hay bọt nước nổi trên mặt dòng chảy xa bờ và trôi ra biển
Cách thoát ra khỏi dòng chảy xa bờ:
Các khảo sát cho thấy dòng chảy xa bờ không kéo người ta xuống nước. Dòng chảy xa bờ chỉ kéo người bơi ra xa bờ và thường sẽ đưa người bơi vào vùng có sóng bạc đầu (breaking waves) và sóng sẽ đưa người đó lại vào bờ. Tuy nhiên người ta thường chết đuối khi rơi vào dòng chảy xa bờ vì bản năng tự nhiên khiến người biết bơi bơi ngược dòng chảy xa bờ để vào bờ khiến người đó mau chóng kiệt sức rồi chết đuối. Bên cạnh đó, sự hoảng loạn khiến người bơi không còn khả năng phán đoán chính xác.
Dòng chảy xa bờ có thể gây nguy hiểm bất cứ lúc nào, không phải chỉ khi có sóng lớn. Khi sóng to thì vận tốc dòng chảy xa bờ cũng nhanh hơn gây nguy hiểm hơn cho người bơi. Tuy nhiên, khi đó thường ít có người xuống biển tắm vì e ngại sóng to. Vào những ngày sóng không lớn, trái lại, người ta thường chết đuối nhiều hơn vì có nhiều người xuống biển tắm. Khi thấy sóng không quá to người ta thường chủ quan và không quan tâm đến dòng chảy xa bờ.
Điều quan trọng khi bị rơi vào dòng chảy ra bờ là tuyệt đối không được cố bơi ngược dòng chảy xa bờ để vào bờ.
Lời khuyên của chuyên gia khi chúng ta bị rơi vào dòng chảy xa bờ:
• Bình tĩnh. Không hoảng loạn.
• Không cố bơi ngược dòng chảy xa bờ.
• Đối với người bơi giỏi: nếu bạn tự tin, hãy bơi song song với bờ biển, thường sẽ hướng đến chỗ vùng có sóng bạc đầu và nhờ sóng đưa bạn trở lại vào bờ.
• Đối với người bơi yếu: bất cứ khi nào bạn thấy không thể chạm bờ biển hoặc thấy đuối sức, hãy giơ tay lên ra hiệu, bình tĩnh, thả nổi để giữ sức và gọi trợ giúp.
• Nếu dòng chảy xa bờ yếu đi, cố gắng bơi song song với bờ biển để đến chỗ có sóng bạc đầu nhờ sóng đưa bạn vào bờ.
• Một lần nữa, bất cứ khi nào bạn thấy không thể chạm bờ biển hoặc thấy đuối sức, hãy giơ tay lên ra hiệu, bình tĩnh, thả nổi để giữ sức và gọi trợ giúp.
Để giảm nguy cơ rơi vào dòng chảy xa bờ, bạn cần phải có những hiểu biết về chúng, biết cách nhận dạng và không nên bơi trong hoặc gần dòng chảy xa bờ.
Bạn nên tắm biển ở những bờ biển có lực lượng cứu hộ chuyên nghiệp và bơi ở vùng an toàn (ở Úc là vùng giữa cờ đỏ và cờ vàng). Bạn cần quan sát các chỉ báo an toàn và nếu cần thì nên trao đổi với nhân viên cứu hộ để biết đặc điểm bờ biển mà bạn sắp xuống tắm.
Ngoài ra bạn cũng cần biết bơi và không nên bơi một mình. Nếu bạn không chắc thì không nên xuống biển tắm.
Lời kết
Trước khi tắm biển, chúng ta cần tìm hiểu đặc điểm và độ an toàn của bãi biển mà chúng ta sắp xuống tắm. Chúng ta cần dành vài phút để nhận dạng dòng chảy xa bờ và không nên bơi gần những vùng đó. Khi chẳng may rơi vào dòng chảy xa bờ, chúng ta cần bình tĩnh tìm cách thoát ra khỏi dòng chảy đó bằng cách bơi song song với bờ biển hoặc bơi vuông góc với dòng chảy xa bờ để vào vùng có sóng bạc đầu để nhờ sóng đưa chúng ta vào bờ. Tuyệt đối không nên bơi ngược dòng chảy xa bờ và luôn nhớ là vùng bờ biển lặng sóng không có nghĩa là nơi đó an toàn.
Chúng ta hãy cùng nhau phổ biến kiến thức về dòng chảy xa bờ này đến mọi người để cùng nhau tắm biển một cách an toàn.
Trắc nghiệm:
Các bạn hãy chỉ ra dòng chảy xa bờ thấy được trên hình sau đây
Xin Chân thành Cảm ơn Bác sĩ Linh và Bác sĩ Vũ.
Sưu tầm
– Đừng để bản thân mình rơi vào nguy hiểm chỉ vì sự thiếu hiểu biết –
Một giáo sư tâm lý học của trường Đại học Cambridge hỏi các sinh viên của mình:
– Tại sao khi con người cãi nhau thì họ lại gào rất to?
– Bởi vì họ đánh mất sự bình tĩnh của mình. – Một sinh viên đáp.
– Nhưng tại sao phải hét lên ngay cả khi người ta đang đứng kế bên?
– Vị giáo sư hỏi. – Chẳng nhẽ không thể nói chuyện với người đó nhẹ nhàng? Tại sao lại hét lên khi mất bình tĩnh?
Lần lượt các sinh viên bắt đầu đưa ra ý kiến của mình, nhưng không ai trong số họ thỏa mãn câu hỏi của giáo sư.
Cuối cùng, ông giải thích lý do tại sao điều này xảy ra:
– Khi con người không đồng lòng với nhau và cãi nhau, trái tim của họ càng xa lánh nhau. Để nghe thấy nhau trong khoảng cách đó, họ phải hét lên. Họ càng tức giận thì càng phải la hét to hơn.
– Điều gì sẽ xảy ra đối với những người? Đối với nhiều trường hợp, họ không gào thét, ngược lại, họ nói chuyện nhẹ nhàng. Bởi vì, khi yêu nhau trái tim của họ rất gần nhau, khoảng cách giữa chúng là rất nhỏ. Và, khi tình yêu của họ mạnh hơn nữa? – Giáo sư tiếp tục. – Họ chỉ thì thầm và càng trở nên gần gũi hơn trong tình yêu của họ, cho đến lúc chỉ cần nhìn nhau thôi là hiểu nhau không cần nói điều gì.
Vì vậy, khi lỡ có phải cãi nhau, cố gắng đừng để cho trái tim của bạn xa lánh nhau, đừng nên nói những lời làm tăng thêm khoảng cách giữa bạn và người đối diện. Bởi vì, có thể đến một ngày nào đó khi khoảng cách trở nên quá lớn, bạn sẽ không tìm thấy con đường trở lại nữa.
HÃY ĐỂ TÌNH YÊU THƯƠNG GẮN KẾT TẤT CẢ MỌI THỨ XUNG QUANH TA LẠI NHÉ!
Whit là một thuật sĩ, anh làm thuê trong một nhà hàng ở Los Angeles, ở đó mỗi tối khi khách ăn, anh giúp vui bằng những màn ảo thuật nho nhỏ của mình. Vào một buổi tối nọ, anh ta ngồi xuống cạnh một gia đình nọ, sau khi đã tự giới thiệu về mình, Whit lấy ra một bộ bài và bắt đầu biểu diễn. Anh yêu cầu cô gái trẻ ngồi cạnh mình hãy chọn ra một lá bài. Cha cô ta bảo với Whit rằng Wendy bị mù.
“Không sao – anh trả lời – nếu như vậy tôi muốn chơi một trò khác”.
Quay sang cô gái, Whit nói: “Wendy, cô có thể giúp tôi trong trò chơi này không?”.
Một chút do dự, cô gái nhún vai và trả lời: “Vâng”.
Whit kéo ghế lại ngồi ngang cô gái và nói: “Tôi sẽ đưa một quân bài ra, Wendy, và nó có hai màu, hoặc là đỏ hoặc là đen. Tôi muốn cô sử dụng khả năng tinh thần của mình để nói tôi biết màu của lá bài, đỏ hay đen.
Cô đồng ý chứ?”. Wendy gật đầu.
Whit cầm lá bài lớn nhất và hỏi: “Đây là lá đỏ hay đen?”.
Nghĩ một chút, cô gái mù đáp: “Đen”. Gia đình cô mỉm cười sung sướng.
Whit cầm lá bảy cơ: “Đây là lá đỏ hay đen?”.
Wendy trả lời: “Đỏ”.
Whit lấy lá bài thứ ba, lần này là con ba rô và hỏi: “Đỏ hay đen?”.
Không do dự, Wendy đáp: “Đỏ!”. Các thành viên trong gia đình hết sức kinh ngạc. Anh ta lấy ra ba lá bài và cô đoán đúng cả ba. Và tiếp tục, cô đoán đúng hết lá bài thứ sáu. Gia đình cô không thể nào tin đó là sự may mắn của cô.
Đến lá bài thứ bảy, Whit cầm con năm cơ: “Wendy, tôi muốn cô nói số và loại của lá bài này, một trong những loại cơ, rô, chuồn, bích”.
Sau một lúc nghĩ ngợi, Wendy đáp: “Con năm cơ!”. Mọi người kinh ngạc đến cực điểm, họ há hốc miệng nhìn cô gái.
Cha cô ta hỏi Whit có hay không điều kỳ diệu này. Whit đáp: “Ông hãy hỏi Wendy”. Quay sang con gái ông ta hỏi – “Wendy, đó là cái gì?” – Wendy mỉm cười đáp: “Đó là điều kỳ diệu!”
Whit bắt tay gia đình và ôm chặt lấy Wendy, dọn những quân bài, anh tạm biệt gia đình. Dĩ nhiên, điều kỳ diệu anh đã mang đến cho gia đình thì không thể nào quên.
Điều kỳ diệu xảy ra ảnh hưởng nhiều đến Wendy. Nó không chỉ là cơ hội đem chút “ánh sáng” cho cô và làm cô trở nên đặc biệt trong gia đình, mọi người đều hãnh diện về khả năng của cô với bạn bè mình.
Vài tháng sau, khi câu chuyện đã bị quên lãng, Whit nhận được gói bưu phẩm kèm theo một lá thư do Wendy gửi đến. Trong thư, cô cảm ơn Whit vì đã là cô cảm thấy trở nên đặc biệt, giúp cô “thấy” được dù chỉ trong giây lát, cô cảm thấy rất hạnh phúc và cuộc sống còn nhiều ý nghĩa đối với cô. Cô nói sẽ giữ những điều xảy ra như bí mật của riêng mình và sẽ không bao giờ kể với ai. Cuối cùng cô gửi tới anh một bộ bài dành cho người mù để anh có thể đem nhiều hạnh phúc nữa cho những người như cô.
Tại sao Wendy biết được màu của những con bài? Whit chưa bao giờ gặp cô trước khi cô vào nhà hàng và anh cũng không nói trước với cô ta về những quân bài. Và cô ta bị mù thì không thể nào thấy được màu sắc cũng như giá trị của những lá bài. Vậy làm như thế nào?
Whit đã truyền thông tin bằng mật mã của bàn chân từ người này đến người khác mà không dùng lời nói. Khi Whit bắc ghế ngồi ngang với Wendy: “Tôi sẽ đưa một quân bài ra, Wendy, và nó có hai màu hoặc là đỏ, hoặc là đen”, anh đạp nhẹ chân cô ta một cái khi anh nói từ “đỏ” và hai cái khi nói “đen”.
Ngừng một chút để cô hiểu, anh lặp lại điều qui định đó bằng cách:
“Tôi muốn cô sử dụng khả năng tinh thần của mình để nói tôi biết màu của lá bài, đỏ (khẽ đạp chân cô một cái) hay đen (đạp hai cái)”. Khi cô nói vâng, anh biết cô đã hiểu mật mã và trò chơi bắt đầu.
Tại sao cô biết được con năm cơ? Đơn giản. Anh đạp chân cô năm lần.
Khi anh yêu cầu cô đoán loại của lá bài là cơ, rô, chuồn, bích, anh khẽ đạp sau khi nói từ “cơ”…
Người ta phỏng vấn một bà lão gần 90 tuổi rằng nếu được sống lại cuộc đời đã qua một lần nữa, bà sẽ sống như thế nào?
– “Nếu được sống lại cuộc đời đã qua lần nữa – bà lão nói – thì tôi sẽ dám…phạm nhiều sai lầm hơn. Tôi sẽ ngờ nghệch hơn là tôi đã ngờ nghệch trong cuộc đời này. Tôi sẽ thảnh thơi hơn, linh hoạt hơn. Tôi sẽ coi ít thứ nghiêm chỉnh hơn. Tôi sẽ trèo núi lội đèo nhiều hơn, bơi lội nhiều hơn…Tôi sẽ ăn nhiều …kem hơn. Dĩ nhiên tôi sẽ gặp nhiều rắc rối hơn nhưng tôi sẽ thực tế hơn là chỉ mơ mộng. Tôi sẽ bớt…lành mạnh hơn. Ôi, tôi đã có những khoảnh khắc của đời mình và tôi muốn có nhiều hơn những khoảnh khắc đó, cái nọ nối cái kia, cái nọ tiếp cái kia thay vì tôi cứ sống để chờ đợi…Nếu tôi được sống lại cuộc đời đã qua lần nữa, tôi sẽ đi chân không nhiều hơn, sẽ bớt mang theo dù và dầu nóng, bình thủy các thứ…Tôi sẽ hái nhiều hoa cúc hơn…”.
Thỉnh thoảng có lẽ ta cũng nên tự hỏi mình một câu như vậy. Có phải ta cũng thường sống trong nhớ tiếc hoặc đợi chờ, mà quên đi cái quà tặng quý báu của cuộc sống chính là sự hiện diện của ngày hôm nay, của giây phút này, của ở đây và bây giờ. Tiếng Anh có một từ khá tuyệt: present, vừa có nghĩa là hiện tại, sự hiện diện, có mặt, lại vừa có nghĩa là món quà.
Ta nghe nơi này nơi khác người ta luôn nói, không có thì giờ, không có thì giờ. Đến nỗi một nhà thơ phải kêu lên:
…Không có thì giờ!
Chim lấy đâu mà về tổ.
Tôi lấy đâu mà làm thơ.
Em lấy đâu mà đọc những bài thơ tôi sắp viết!
(Nguyên Sa)
Tiếng chim và khế ngọt vẫn có đó, ánh nắng và sóng biển vẫn có đó, đèo cao và suối mát vẫn có đó, nhưng…hãy đợi đấy, còn phải dành thì giờ để nhớ nắng hôm qua, mưa năm nọ, tiếng chim ngày cũ, rồi còn dành thì giờ để mong ngóng tương lai, sống trong tương lai như cô nàng Perrette mang bình sữa ra chợ! Ta chờ… lớn. Chờ thi đậu. Chờ thành đạt. Chờ có tiền. Chờ cưới vợ. Chờ đẻ con. Chờ con lớn…Chờ con thi đậu.
Cứ thế. Cho đến một hôm thảng thốt: ” Rồi tàn mùa xuân, rồi tàn mùa hạ, một ngày đầu thu…”(TCS). Mùa xuân sao không đi hái lộc, mùa hạ sao không dẫn bầy em nhỏ đi tắm sông?
“Hạnh phúc rất đơn sơ”, vậy mà Khổng Tử suốt đời quần quật chỉ mong được thế đôi lần!
Quả thật chúng ta thường sống với dĩ vãng, một thời đã qua hoặc sống với tương lai, một thời chưa tới. Còn hiện tại thì tối tăm mặt mũi; không có thì giờ! Không kịp ăn sáng, không kịp tắm (không kịp thay đồ?). Hộc tốc. Luôn luôn hộc tốc. Nhai ngồm ngoàm. Đi vội vàng. Thở hào hển. Và làm hùng hục.
Lâm Ngữ Đường hơn nửa thế kỷ trước đã chê người Mỹ có ba cái tật xấu là luôn muốn tăng hiệu năng, muốn đúng giờ và muốn thành công.
Ông nói: “Họ luôn cau có và quạu quọ vì ba cái tật đó đã cướp đi của họ sự thư nhàn, lại còn làm cho họ luôn bị căng thẳng thần kinh vì luôn cầu toàn trách bị”!
Viên chủ bút Mỹ lo bạc đầu vì muốn không có một lỗi in nào trong tạp chí của ông ta, còn viên chủ bút Trung Hoa (dĩ nhiên, cách đây hơn nửa thế kỷ!) khôn hơn, để cho độc giả có cái thú tìm ra được ít nhiều lỗi trên báo! Đời sống bây giờ biến người ta thành cái…đồng hồ.
Người Mỹ sống như một học sinh tiểu học, giờ nào việc đó, từng giờ từng phút “. Rồi ông kêu lên: “Đời sống mà như vậy thì còn giá trị gì nữa”.
(Sống đẹp, LNĐ, bản dịch Nguyễn Hiến Lê).
Ngày nay thì các “tật xấu” đó đã toàn cầu hoá, đã trở thành bệnh của thời đại, đến nỗi bây giờ người ta bị cao huyết áp, bị tim mạch, bị trĩ, bị bón….cũng vì không có thì giờ!
Nguyễn Công Trứ nói:
“So lao tâm lao lực cũng một đàn
Người trần thế muốn nhàn sao được?”
Ý ông là chỉ có tiên mới sướng. Nhưng bây giờ ta cũng có tiền rồi, mà có tiền thì mua tiên cũng được quá đi chứ. Tiện nghi ngày càng cải thiện. Đằng vân giá võ, thiên lý nhãn, thuận phong nhĩ, thần giao cách cảm không thiếu thứ gì!
Bấm cái nút gặp ngay người trong mộng. Trò chuyện với người cách xa nửa vòng trái đất như đang ngồi trước mặt…
Thế mà vì sao ta không được “sướng như tiên”? Có lẽ là do cái nhu cầu giả tạo cứ ngày càng dày đặc thêm, cứ nhồi nhét mãi rồi thì đến một lúc tưởng là nhu cầu thật. Đẻ con thì phải đẻ mổ, chọn giờ để mong sau này con được làm vua. Ai cũng làm vua cả thì ai sẽ là thường dân cho vua trị vì? Nhưng vua đâu chẳng thấy chỉ thấy nhiều trẻ thiếu oxy não, liệt thần kinh, bị tâm thần… Các thứ sữa dành cho trẻ con bây giờ thì phải có chất tạo… thông minh. Làm như xưa nay không có các sản phẩm đó thì thế giới chỉ toàn người ngu dốt!
Cho nên Tô Đông Pha mới buông thuyền sông Xích Bích, Bạch Cư Dị mới xuống ngựa dừng chèo ở bến Tầm Dương, và Nguyễn Công Trứ mới… mơ ước:
Năm ba chú tiểu đồng lếch thếch
Tiêu dao nơi cùng cốc thâm sơn
Nào thơ nào rượu nào địch nào đờn
Đồ thích chí chất đầy trong một túi…
(Kẻ sĩ)
Bây giờ “đồ thích chí” ta còn có thể chất đầy “trong một xe” đời mới, chỉ “không có thì giờ!” thôi vậy!
Người đến dự đám cưới khá đông. Ông hàng xóm gọi bác làm công đến và bảo:
– Này, anh đi xem xem có bao nhiêu người đến dự đám cưới bên ấy.
Bác làm công ra đi. Bác để lên ngưỡng cửa một khúc gỗ và ngồi lên bờ tường đợi khách khứa ra khỏi nhà. Họ bắt đầu ra về. Ai đi ra cũng vấp phải khúc gỗ, văng lên chửi và lại tiếp tục đi. Chỉ có một bà lão vấp phải khúc gỗ, liền quay lại đẩy khúc gỗ sang bên.
Bác làm công trở về gặp người chủ.
Người chủ hỏi:
– Ở bên ấy có nhiều người không?
Bác làm công trả lời:
– Chỉ có mỗi một người mà lại là bà lão.
– Tại sao vậy?
– Bởi vì tôi để khúc gỗ bên thềm nhà, tất cả đều vấp phải, nhưng cũng chẳng ai buồn dẹp đi. Thế thì lũ cừu cũng làm như vậy. Nhưng một bà lão đã dẹp khúc gỗ sang bên để người khác khỏi vấp ngã. Chỉ có con người mới làm như vậy. Một mình bà lão là người.
Sống sót trở về sau chiến tranh tàn khốc giữa thập niên bốn mươi, Soko Morinaga tìm về căn nhà cũ, trực diện với những khó khăn và mất mát tận cùng của đời người. Cha mẹ không còn, anh chị em phân tán, nhà cửa, tiền bạc bị tịch thu. Ông cố ngoi lên bằng ý chí trở lại học đường nhưng đành chào thua vì cuộc vật lộn cam go, có khi bao tử thường xuyên lên tiếng kêu khóc.
Giữa quạnh hiu đổ nát cả thân và tâm, một sự mầu nhiệm kỳ diệu nào đó đã dẫn bước chân vô định của Soko tới trước cửa chùa Daishuin ở Tokyo. Ngước nhìn mái chùa rêu phong, lưỡng lự đôi ba phút rồi Soko mạnh dạn gõ cửa. Người mở cửa chính là Đại sư Zuigan Goto. Soko ngỏ lời xin được đại sư thâu nhận làm đệ tử. Đại sư chỉ hỏi một câu duy nhất:
– Ngươi tin ta chứ? Nếu không tin ta thì có ở đây bao lâu cũng chẳng học được gì, phí công ta thôi.
Soko trả lời:
– Con xin hết lòng tin tưởng.
Đại sư mở rộng cửa, lạnh lùng truyền:
– Theo ta.
Soko líu ríu theo vào. Tới góc sân, đại sư chỉ cây chổi tre, ra lệnh:
– Quét dọn vườn.
Trước khi cầm chổi, Soko quỳ xuống bái tạ đại sư đã thâu nhận mình.
Công việc quét vườn thì có chi là khó, Soko hăng hái quét… quét… và quét. Không bao lâu đã gom được đống rác cao nghệu đầy đất, sỏi, đá vụn và lá khô. Dừng chổi, Soko lễ phép hỏi:
– Bạch thầy, con phải bỏ đống rác này đi đâu ạ?
Bất ngờ, đại sư quát lên:
– Rác! người nói gì? Không có gì là rác cả!
Soko ngẩn ngơ nhìn đống chiến lợi phẩm, không hiểu, đây không là rác thì là gì? Còn đang lúng túng thì đại sư lại bảo:
– Vào nhà kho kia lấy cái bao lớn ra đây…
Khi Soko tìm được cái bao mang ra thì thấy đại sư đang dùng hai tay, gạt đám lá khô sang một bên. Ông lại bảo:
– Mở rộng miệng bao ra.
Soko tuân lời, lẳng lặng theo dõi thầy đại sư quơ từng ôm lá, bỏ vào bao, thỉnh thoảng lại giậm giậm cho lá xẹp xuống.
Cuối cùng, những lá khô trong đống rác đã được nhồi vào bao, cột lại.
Soko lại nghe lệnh truyền:
– Đem bao lá này vào nhà kho, để dành đun nước tắm.
Vừa vác bao lá trên vai, Soko vừa nghĩ:
– Còn đống đất đá, không phải rác thì dọn đi đâu?
Ấy thế mà khi ở nhà kho ra, Soko thấy đại sư đang lượm những viên sỏi, đá vụn ra. Trước vẻ ngẩn ngơ của Soko, ông vừa hỏi, vừa sai:
– Có thấy hàng hiên ngay dưới máng xối kia không? Có thấy những chỗ bị nước mưa xoáy lồi lõm không? Đem những sỏi, đá vụn này trám vào những chỗ đó.
Soko vừa làm, vừa thán phục thầy mình, vì quả thật, sau khi trám, không những chỗ lồi lõm bằng phẳng mà còn đẹp hẳn lên nữa.
Bây giờ, đống rác (theo Soko) chỉ còn lại đất và rêu. Lần này thì chắc chắn phải hốt, đổ đi rồi. Nhưng kinh ngạc biết bao khi Soko quay lại sân, thấy thầy mình thong thả nhặt từng miếng đất, từng tảng rêu trên tay, rồi chậm rãi nhìn quanh, tìm những khe tường nứt, những chỗ lõm nhỏ trên mặt đât, từ tốn trám vào.
Bây giờ thì đống rác không còn đó. Nhưng cũng không phải là vật phế thải vô dụng gom quẳng đi đâu. Mỗi loại rác, nếu biết tận dụng, sẽ lại trở thành hữu ích.
“Không có gì là rác cả” là bài học đầu tiên đại sư Zuigan Goto dạy cho người đệ tử vừa thâu nhận, sau này chính là Thiền sư Soko Morinaga nổi tiếng của xứ Phù Tang. Viện trưởng Đại học Hanazono, thuộc tông Lâm Tế Nhật Bản.
“Không có gì là rác cả!” tuy đơn giản mà bao hàm một thông điệp về triết lý duyên khởi. Trong rác có hoa và trong hoa có rác, rác chính là hoa và hoa chính là rác. Nhờ thấy được sự thật này nên không hề có sự loại bỏ, đối kháng và mâu thuẫn mà hoàn toàn nhuần nhuyễn, tùy thuận, các pháp cùng nương vào nhau để tồn tại và phát triển.
Hãy nhìn thật kỹ, thật sâu sắc vào những bất đồng, những việc không như ý và tất cả những gì được gọi là xấu xa, đáng loại trừ, vứt bỏ…
“Nhìn” cho đến khi nào nhận ra “Không có gì là rác cả !” để ôm ấp, bao dung và tận dụng hết thảy thì cuộc sống này đẹp biết dường nào!
Nếu đặt một con chim ó vào trong một chiếc lồng, với kích thước khoảng 2m x 2,5m, nhưng hoàn toàn không có nóc, tức là phần trên chiếc lồng được mở toang; con chim này sẽ vẫn hoàn toàn là một… tù nhân trong lồng đó.
Lý do: con chim ó luôn bắt đầu bay “chạy đà” khoảng 3- 4m đầu tiên.
Không có quãng đường để chạy, theo thói quen, chim ó không thể bay lên, và sẽ chấp nhận bị cầm tù suốt đời, trong một “nhà giam” nhỏ không có mái!
Câu chuyện con dơi:
Một con dơi thường bay ra ngoài kiếm ăn vào buổi tối. Nó là một sinh vật nhanh nhẹn, linh lợi và bay chính xác. Tuy nhiên, nó chỉ có thể cất cánh khi được tự thả mình rớt xuống rồi mới bay. Nếu nó được đặt trên sàn hoặc một mặt phẳng, thì nó chỉ lê bước loanh quanh một cách vô vọng, và, tất nhiên vô dụng, không thể bay đi cho đến khi nó được rớt từ một độ cao nhỏ thôi là có thể tung mình bay vào không trung.
Câu chuyện về con ong nghệ:
Con ong nghệ, nếu bị thả vào một cái ly lớn không đậy nắp, cũng sẽ ở trong ly đó cho đến chết. Nó không bao giờ nhìn thấy đường thoát ở phía trên, mà chỉ cố gắng tìm cách nào đó thoát ra qua các mặt ngang bên, hoặc qua… đáy ly.
Và câu chuyện về con người…
Trong rất nhiều trường hợp, con người cũng giống như con chim ó, con dơi và con ong nghệ ở trên. Vật lộn với tất cả các vấn đề rắc rối của mình, mà không bao giờ nhận ra rằng rất có thể có một giải pháp ở rất gần, trước mắt, vì từ lâu, con người đã thường tự giam mình trong những cái lồng của thói quen, sự cố chấp, sự ích kỷ, tham lam… và sự lệ thuộc vào người khác.
Một vị thương gia lập nghiệp từ tay trắng, sau kiếm được rất nhiều tiền nhưng vì buôn bán trong thời kinh tế không ổn định, khiến anh ta trở nên phá sản, nợ nần chồng chất.
Nghĩ mãi không tìm ra cách giải quyết, anh ta bèn ra bờ sông tự tử.
Vào lúc canh ba một đêm nọ, anh ta đến trước bờ sông, bỗng nhiên nhìn thấy một thiếu nữ đang ngồi khóc thảm thiết, anh bèn đến hỏi cô gái:
– Có chuyện gì mà đêm hôm khuya khoắt cô ngồi khóc một mình ở đây?
Cô gái buồn bã nói:
– Tôi bị người yêu ruồng bỏ, tôi không muốn sống nữa, bởi vì không có anh ấy tôi không sống nổi.
Vị thương gia vừa nghe xong lập tức nói:
– Ồ! Lạ nhỉ, sao lúc chưa có bạn trai, cô có thể tự sống được.
Cô gái vừa nghe xong liền bừng tỉnh và bỏ ngay ý định tự tử.
Ngay lúc đó vị thương gia nọ cũng chợt nhận ra rằng: Khi chưa giàu có ta vẫn sống bình thường, ta cũng tay trắng làm nên mà!
Lúc đó cô gái quay sang hỏi vị thương gia:
– Đêm hôm lạnh lẽo như vậy, anh ra đây để làm gì?
Vị thương gia ậm ừ trả lời:
– Ừ… đâu có làm gì, chỉ là tản bộ chút vậy thôi”.
Thì ra, dù đã mất tất cả nhưng thực sự cũng chỉ bằng lúc ta chưa có mà thôi. Đây là một tuệ giác lớn! Phần lớn thế hệ chúng ta từng sinh ra trong chiến tranh, lớn lên trong giai đoạn đất nước đói nghèo, gia sản chỉ gói gọn trong một chiếc ba lô nhưng vẫn yêu đời, tin tưởng vào tương lai tươi sáng thì giờ đây rủi thời dẫu có thất thế sa cơ đến tay trắng cũng chẳng đến nỗi nào, vì trước đây ta có cái gì đâu! Ai thấy được điều này là có trí tuệ. Vì khổ đau, vật vã, thù hận thậm chí quyên sinh khi mất mát xảy ra, xét cho cùng cũng chỉ thiệt cho mình.
Nhờ quán KHÔNG nên người con gái trong câu chuyện trên khi mất người yêu nghĩ rằng không có người yêu thì không sống nổi, chợt thấy rõ rằng trước khi chưa gặp “kẻ phản bội” kia thì ta vẫn sống vui, liền lập tức đổi ý không trầm mình xuống sông nữa. Người thương gia trắng tay cũng đổi ý khi ngộ ra rằng trước đây ta cũng từ tay trắng mà lên. Bây giờ trắng tay nhưng cũng chỉ bằng ngày xưa chứ chưa mất mát tí gì.
Con người sinh ra đời với hai bàn tay trắng và dù thành công hay thất bại thì cũng trở về cát bụi với hai bàn tay không, vậy thì sá gì với được mất, có không, vì vô thường thay đổi vốn là bản chất của cuộc đời này.
Chúng ta hãy quán chiếu thật sâu sắc vào sự chuyển biến vô thường của cuộc đời để sống bình thường trước mọi biến động có thể xảy đến với ta bất cứ lúc nào.