Một người đàn ông đi ngang qua một chú voi đang bị xích, đột nhiên ông dừng lại và tự hỏi tại sao một chú voi lớn như vậy lại không tự làm đứt một sợi dây thùng nhỏ buộc ở chân và trốn thoát. Thậm chí còn không có cả dây xích và lồng giữ.
Hiển nhiên là chú voi hoàn toàn có thể làm được, bất cứ lúc nào chú muốn nhưng vì một lý do nào đó chú đã không làm như vậy.
Người đàn ông đã đến gặp người quản tượng gần đó và hỏi anh ấy vì lý do tại sao con voi vẫn đứng yên ở đó và không bao giờ bỏ đi. Người huấn luyện voi trả lời: “À, khi mà con voi này còn nhỏ và bé hơn bây giờ, chúng tôi đã sử dụng cùng một loại kích cỡ dây thừng giống như bây giờ để trói chúng. Ở độ tuổi đó, các sợi dây vẫn đủ sức để giữ chúng.
Khi mà voi lớn lên, chúng tin rằng chúng không có đủ khả năng phá được dây. Con voi này luôn tin rằng sợi dây có thể giữ chúng lại và không bao giờ thử trốn thoát”.
Người đàn ông đã rất ngạc nhiên. Những con vật to lớn như vậy đều có khả năng làm được, nhưng chúng đã không bao giờ tin và sẽ mãi mắc kẹt ở nơi này.
Giống như con voi trong câu chuyện, con người chúng ta luôn không tin vào chính bản thân mình với lý do đơn giản là chúng ta đã thất bại trước đó. Thất bại là một phần của việc học, một phần trong con đường dẫn tới thành công.
Chúng ta sinh ra đều công bằng như nhau, nhưng chính NIỀM TIN cố hữu được xây dựng từ khi còn nhỏ đã kìm hãm sự phát triển của chúng ta lại khiến chúng ta không tin chúng ta có thể làm được tất cả mọi thứ.
Hãy vứt bỏ NIỀM TIN cố hữu đó để sống một cuộc đời mà chúng ta mong muốn thay vì sống cho những NIỀM TIN của người khác.
Hãy nhớ: “CHÚNG TA TRỞ THÀNH CÁI CHÚNG TA NGHĨ”.
Vì vậy hãy vứt bỏ những NIỀM TIN hạn hẹp đi và trở thành người mà bạn muốn trở thành, sống cuộc sống mà bạn muốn sống – cuộc sống bạn cảm thấy mình xứng đáng để sống!
1. LƯƠNG TÂM – Trần Đình Ba Con ốm, nhập viện. Làm thủ tục, bác sĩ mặt lạnh tanh. Biết ý, tay mẹ run run dúi trăm nghìn vào túi “lương y”… Bác sĩ thân mật: “Nằm giường này cháu, đừng lo có bác!”. Biết đâu mẹ đang xỉu dần vì bán máu để lo cho con. Lương tâm?
2. XỨ LẠ QUÊ NGƯỜI – Trần Ninh Bình Qua xứ người được vài năm thì ông anh họ của tôi bắt đầu gởi tiền về, giục các con lo học tiếng Anh và vi tính để mai mốt qua đó có thể dễ dàng kiếm việc làm. Hôm vừa rồi, anh gọi điện về thăm gia đình chúng tôi, tôi hỏi anh có địa chỉ email chưa để tiện liên lạc, giọng anh chùng hẳn xuống: “Suốt ngày hết rửa bát lại dọn bàn trong quán, anh có thì giờ đâu mà biết đến những thứ hiện đại đó hả em?!” .
3. CHUNG RIÊNG – Nga Miên Chung một con ngõ hẹp, hai nhà chung một vách ngăn. Hai đứa chơi thân từ nhỏ, chung trường chung lớp, ngồi chung bàn, đi về chung lối. Chơi chung trò chơi trẻ nhỏ, cùng khóc cùng cười, chung cả số lần bị đánh đòn do hai đứa mãi chơi. Đi qua tuổi thơ với chung những kỷ niệm rồi cùng lớn lên… Uống chung một ly rượu mừng, chụp chung tấm ảnh… cuối cùng khi anh là chú rể còn em chỉ là khách mời. Từ nay, hai đứa mình sẽ không còn có gì chung nữa, anh giờ là riêng của người ta…
4. BÀN TAY Hai đứa cùng trọ học xa nhà, thân nhau. Lần vào quán nước, sợ tôi không đủ tiền trả em lòn tay xuống gầm bàn đưa tôi ít tiền. Vô tình đụng tay em… mềm mại. Ra trường, hai đứa lấy nhau. Sống chung, em hay than phiền về việc xài phí của tôi. Bận nọ tiền lương vơi quá nửa đem về đưa em… chợt nhận ra tay em có nhiều vết chai… Tự trách, mấy lâu mình quá vô tình.
5. VÒNG CẨM THẠCH- Jang My Cha kể, cha chỉ ao ước tặng mẹ chiếc vòng cẩm thạch. Tay mẹ trắng nõn nà đeo vòng cẩm thạch rất đẹp. Mỗi khi cha định mua, mẹ cứ tìm cách từ chối, lúc mua sữa, lúc sách vở, lúc tiền trường… Đến khi tay mẹ đen sạm, mẹ vẫn chưa một lần được đeo. Chị em hùn tiền mua tặng mẹ một chiếc thật đẹp. Mẹ cất kỹ, thỉnh thoảng lại ngắm nghía, cười: -Mẹ già rồi, tay run lắm, chỉ nhìn thôi cũng thấy vui. Chị em không ai bảo ai, nước mắt rưng rưng.
6. NGẬM NGÙI Ba mất nửa năm, má dẫn hai con nhỏ về quê. Xin được mảnh đất hoang, cùng mần cỏ, dọn nền, lối xóm lạ hoắc tới tiếp dựng mái lá ở tạm. Tối, má gói bánh – nấu. Sáng, hai nhỏ út bưng bán. Má mượn xuồng đi chợ, áo thâm kim, nón lá rách. Anh Hai ở Sài Gòn, thành đạt, giàu. Hôm về quê, anh đi dọc bờ sông, má thấy, bơi xuồng riết theo, goi tên con hụt hưởi. Anh ngoái nhìn rồi quay mặt đi tiếp. Má tủi, gạt dầm, cúi mặt khóc. Nước mắt má làm xuồng quay ngang!
7. TẾT-Phạm Thiên Phú Ngồi một mình trong căn phòng chung cư ở tầng 15, anh đón Tết một cách lặng lẽ. Ở nơi này vẫn có bánh chưng, bánh tét, vẫn có pháo, có hoa nhưng hình như vẫn thiếu một thứ gì đó. Đã 35 cái Tết tha hương nhưng hình như trong anh vẫn còn tìm kiếm, dẫu rằng sự tìm kiếm đó ngày càng nhạt nhòa theo năm tháng. Phải chăng ‘thứ ấy’ là hương vị Tết quê nhà? “Phải đi ngủ sớm thôi” Anh tắt đèn tự nhủ, “Mai còn phải đi làm…”
8. NGHĨA TÌNH- Nguyễn Quang Lâm Bố bị tai biến mạch máu não, nằm liệt giường. Em phải xin nghỉ việc để về nhà phụ mẹ chăm sóc bố. Hơn năm sau, bố mất. Em lại phải đi làm xa kiếm tiền gởi về cho mẹ trả nợ nần, thuốc men. Mãi bươn chải vì chén cơm manh áo, hơn ba mươi tuổi vẫn chưa lập gia đình. Anh hai giục mẹ bán nhà ra ở với ảnh, có dâu có cháu cho vui tuổi già. Ngày về căn nhà ngày xưa đã đổi chủ, em chỉ còn biết khóc.
9. BÓNG NẮNG, BÓNG RÂM Con đê dài hun hút như cuộc đời. Ngày về thăm ngoại, trời chợt nắng, chợt râm. Mẹ bảo: – Nhà ngoại ở cuối con đê. Trên đê chỉ có mẹ, có con Lúc nắng, mẹ kéo tay con: – Đi nhanh lên, kẻo nắng vỡ đầu ra. Con cố. Lúc râm, con đi chậm, mẹ mắng: – Đang lúc mát trời, nhanh lên, kẻo nắng bây giờ. Con ngỡ ngàng: sao nắng, râm đều phải vội ? Trời vẫn nắng, vẫn râm…
… Mộ mẹ cỏ xanh, con mới hiểu: đời, lúc nào cũng phải nhanh lên.
10. CÂU HỎI- Nguyễn Hoài Thanh Ngày đầu tiên cô phụ trách một lớp học tình thương đa phần là những trẻ lang thang không nhà cửa. Cuối buổi học. – Cô ơi. Dạy tụi con hát đi cô. – Hát đi cô. Còn mười phút. Nhìn những cái miệng tròn vo và những đôi mắt chờ đợi, cô dạy cho tụi trẻ bài “Đi học về”. – Hát theo cô nè… Đi học về là đi học về. Con vào nhà con chào ba mẹ. Ba mẹ khen… Phía cuối lớp có tiếng xì xào: – Tao không có ba mẹ thì chào ai? – … Cô chợt rùng mình, nghe mắt cay cay.
11. BA VÀ MẸ – Lê Mai Mẹ xuất thân gia đình trí thức nghèo, yêu thích thơ, văn. Ba tuy cũng được học nhưng là con nhà nông “chánh hiệu”. Mẹ sâu sắc, tinh tế. Ba chất phác, hiền hòa. Mỗi khi ba mẹ đấu lý, chị em nó thường ủng hộ mẹ, phản đối ba. Mẹ luôn đúng và thắng. Hôm ba bệnh nặng, cả nhà lo lắng vào ra bệnh viện. Tối ba nói sảng điều gì đó không ai hiểu. Nhưng lần đầu tiên nó nghe mẹ nói “Đúng! Ông nói đúng…” Quay đi, mẹ sụt sùi. Nó thút thít khóc.
12. TÌNH ĐẦU – Hứa Vĩnh Lộc Về quê, lần nào cũng vậy, hễ chạy qua ngã ba An Lạc là tôi cho xe chạy chậm hẳn lại, mắt nhìn vào ngôi nhà khuất sau vườn lá. Một lần, đứa con trai mười tuổi của tôi hỏi: – Ba tìm gì vậy? – Tìm tuổi thơ của ba. – Chưa tới nhà nội mà? – Ba tìm thời học sinh. – Nội nói, lớn ba học ở Sài Gòn mà? – À, ba tìm người… ba thương. – Ủa, không phải ba thương mẹ sao? – Ừ, thì cũng … thương. – Ba nói nghe lộn xộn quá. Con không biết gì cả. – Ba cũng không biết. Chỉ có Hồng Hạ biết. Mà Hạ thì hai mươi năm rồi tôi không gặp.
13. BÃO – Nga Miên Sống miền duyên hải, công việc của anh gắn liền với tàu, với biển, với những chuyến khơi xa. Anh đi suốt, về nhà chẳng được bao ngày đã tiếp tục ra khơi. Mỗi lần anh đi chị lại lo. Radio, ti vi báo bão. Đêm chị ngủ chẳng yên, sợ bão sẽ cuốn anh ra khỏi đời chị. Cuộc sống khá hơn, anh không đi biển nữa mà kinh doanh trên bờ. Anh đi sớm về trễ, có đêm vắng nhà, bảo vì công việc làm ăn. Nhưng nghe đâu… Không phải bão, anh vẫn bị cuốn xa dần. Sóng gió, bão trong lòng chị.
14. KHÓC – Bùi Phương Mai Vừa sinh ra đã vào trại mồ côi, trừ tiếng khóc chào đời, chồng tôi không hề khóc thêm lần nào nữa. Năm 20 tuổi, qua nhiều khó khăn anh tìm được mẹ, nhưng vì danh giá gia đình và hạnh phúc hiện tại, một lần nữa bà đành chối bỏ con. Anh ngạo nghễ ra đi, không rơi một giọt lệ. Hôm nay 40 tuổi, đọc tin mẹ đăng báo tìm con, anh chợt khóc. Hỏi tại sao khóc, anh nói: – Tội nghiệp mẹ, 40 năm qua chắc mẹ còn khổ tâm hơn anh.
15. ĐÁNH ĐỔI – Song Vũ Chị yêu anh vì vẻ lãng mạn và coi thường vật chật. Chị xa anh cũng vì lẽ đó. Nhân chứng của cuộc tình là chiếc xe đạp, nó chở đầy kỷ niệm của một thời yêu nhau. Mười năm xa cách, anh lao vào cuộc mưu sinh và có một gia sản ít ai bằng. Tình cờ anh gặp chị tại nhà, nhìn thấy chiếc xe đạp ngày xưa, chị hỏi: anh còn giữ nó? Anh nghẹn ngào: anh làm ra những thứ này mong đánh đổi những gì anh có trên chiếc xe đạp ngày xưa.
16. MẸ TÔI – Nguyễn Thánh Ngã Mẹ sinh tôi giữa ruộng bùn vì lúc có mang tôi cũng là lúc gia đình lâm vào túng quẫn, mẹ đi cấy thuê lặn lội đồng sâu nước độc nên sinh tôi thiếu tháng. Tôi ốm đau èo uột. Mẹ thường cõng tôi qua sông đến nhà thầy thuốc. Tôi khỏe. Nhưng mẹ phải còng lưng ba năm trời để trả nợ. Lớn lên tôi định bỏ học đi làm sớm. Mẹ quyết nhịn ăn bắt tôi đến trường. Mẹ là tấm gương soi suốt đời tôi.
17. TÚI KHOAI THỐI
Thử hình dung những cơn giận dữ của ta như những củ khoai, mỗi lần giận là bỏ vào túi một củ, ngày càng nhiều và chúng dần thối đi. Nếu không biết bỏ qua lỗi lầm của người khác, cứ giận họ mãi thì với ta chẳng lợi ích gì, họ cũng chẳng vì ta giận họ mà mập hay ốm đi, còn ta khác nào phải mang theo túi khoai vừa thối vừa nặng. Nếu biết bỏ qua, ta sẽ có nhiều bạn, không còn phiền lòng vì túi khoai thối ấy.
18. CHUYỆN CÁI VÉ Một người cha dắt đứa con 6 tuổi đi sở thú chơi. Đến quầy bán vé, người cha dừng lại đọc bảng giá: “Người lớn: $10.00 Trẻ em trên 5 tuổi: $5.00 Trẻ em dưới 5 tuổi: Miễn phí” Đọc xong, ông nói với người bán vé: – Cho tôi 1 vé người lớn và 1 vé trẻ em trên 5 tuổi. – Con ông trên 5 tuổi à? – Người bán vé tò mò hỏi lại. – Vâng. – Nếu ông không nói cho tôi biết thì thằng bé được miễn phí rồi. – Vâng, có thể không ai biết, nhưng con tôi tự nó biết.
19. MẸ VÀ CON Con lên ba, chơi bên nhà dì, bị xe đạp ngã, trúng đầu chảy máu. Mẹ đang nấu cơm, hốt hoảng bế con chạy ngay đến bệnh viện. Hú vía. Vết thương chỉ nhẹ bên ngoài thôi. Hoàn hồn, mẹ nhìn lại mình: chân không dép, quần ống cao ống thấp, áo loang lổ vết máu. Chả giống ai! Mẹ cười. Con lớn, mẹ bỗng bị chứng nặng tai. Lần lữa mãi, mẹ mới nhờ con đưa đi khám bệnh. Bác sĩ bảo: Để quá lâu, hồi phục thính lực cũng khó. Nhìn mặt mẹ ngơ ngẩn, con khóc.
20. CUA RANG MUỐI Khi xưa nhà còn nghèo, mẹ hay mua cua đồng giả làm cua rang muối. Cua đồng cứng nhưng mẹ khéo tay chiên giòn, đủ gia vị nên thật ngon. Thấy các con tranh nhau ăn, mẹ nhường. Các con hỏi, mẹ bảo: răng yếu. Giờ, các con đã lớn, nhà khá hơn, chúng mua cua biển gạch son về rang muối mời mẹ. Các con nói vui: – Cua rang muối thật đó mẹ. Rồi chúng ăn rất ngon. Riêng mẹ không hề gắp. Các con hỏi, mẹ cười móm mém: – Còn răng đâu mà ăn?!
21. XA XỨ Em tôi học đến kiệt sức để có một suất du học. Thư đầu viết: “Ở đây, đường phố sạch đẹp, văn minh bỏ xa lắc nước mình…” Cuối năm viết: “Mùa đông bên này tĩnh lặng, tinh khiết như tranh, thích lắm…” Mùa đông sau viết: “Em thèm một chút nắng ấm quê nhà, muốn được đi giữa phố xá bụi bặm, ồn ào, nhớ chợ bến xôn xao lầy lội… Biết bao lần trên phố, em đuổi theo một người châu Á, để hỏi coi có phải người Việt không…”
22. ĐI THI Chị Hai thi đệ thất. Ba thức dậy từ tờ mờ chở chị đi trên chiếc xe đạp cũ. Chị Hai đậu thủ khoa. Má bảo: “Nhờ Ba mày mát tay”. Từ đó, lần lượt tới anh Ba rồi cô út – cấp II, cấp III, tú tài, đại học – Đứa nào cũng một tay Ba dắt đi thi. Giờ cả ba đều thành đạt. … Buổi sáng, trời se lạnh, Ba chuẩn bị đi thi “Hội thi sức khỏe người cao tuổi”. Má nhìn Ba ái ngại: “Để tôi gọi taxi. Tụi nhỏ đều bận cả”. Buổi tối, má hỏi: “Ông thi sao rồi?”. Ba cười xòa bảo: “Rớt!”
23. THỊT GÀ Tạnh mưa, bọn trẻ bưng cơm đứng ăn trước cửa. Tý khoe: – Nhà Tý ăn thịt gà. Đêm đó, bà Tám chửi: – Mả cha nó, nghèo mạt kiếp tiền đâu ăn gà, nó ăn gà bà, nó chết bất đắc. Ông giáo buồn lắm, ngã bệnh, qua đời. Thương tình, hàng xóm lo ma chay. Tý hớn hở vì nhà nó đông vui. Trời đổ mưa. Thằng Tý la lớn: – Con gà vô nhà, dậy bắt làm thịt ba ơi. Mọi người nhìn theo. Thì ra, một con cóc dưới kẹt tủ đang giương mắt nhìn lên quan tài ông giáo. …Đừng vội kết tội cho người khác.
24. PHẤN SON Tốt nghiệp đại học, ở lại thành phố đi làm. Tháng rồi, mẹ vào thăm. Mừng và thương. Mẹ khen: “Bạn gái con xinh”. Cuối tháng, lãnh lương. Dẫn người thương đi shopping. Em bảo: “Mỹ phẩm của hãng này là tốt nhất. Những loại rẻ tiền khác đều không nên dùng vì có hại cho da, giống mẹ anh đó, mẹ bị nám hết anh thấy không…” Chợt giật mình. Mẹ cả đời lam lũ, nắng gió với cái ăn, nào đã biết phấn son màu gì.
Từ rất lâu rồi, Emerald (Ngọc lục bảo) luôn được mọi người yêu mến vì nó là một trong những loại đá quí tạo nên sự quyến rũ cho nữ giới cũng như sự sang trọng cho những ai sở hữu nó.
Nhưng bản thân Ngọc lục bảo thì không như vậy, nó mặc cảm vì không có vẻ kiêu sa của hồng ngọc, hay vẻ thùy mị của ngọc trai. Bên cạnh đó, nó thấy rằng ít ai có thể đeo nó khi đến dự những buổi tiệc quan trọng vì màu sắc của nó rất kén chọn trang phục và dáng người. Chính vì thế mà ngày này qua ngày khác, sự tự ti càng lớn dần, cho đến một ngày nó bị người ta lãng quên thật sự khi người ta nhận thấy nó không còn tỏa sáng và cũng giống như những thứ đá có màu sắc khác. Một thứ đá rất đơn thuần và không có điểm gì nổi bật. Nó dần bị đào thải và bị ném xuống suối để sống cuộc sống của đá cuội: lặng lẽ và cô đơn.
Rồi một ngày nọ, có một người thanh niên rất phong độ ghé ngang con suối nhỏ – nơi mà Ngọc lục bảo đang sống. Bất chợt, người thanh niên dừng lại, chàng ngồi cạnh bờ suối và suy nghĩ xa xăm. Chàng bỗng nhiên tâm sự một mình…
Câu chuyện rất lãng mạn về chàng và một nàng công chúa xinh đẹp, thông minh và có một trái tim rất lương thiện. Tiếng lành đồn xa, chàng – hoàng tử của nước láng giềng đã lặn lội đường xa tìm đến. Chàng yêu công chúa từ cái nhìn đầu tiên nhưng công chúa không muốn lấy hoàng tử vì nàng đang đợi người mang món quà sinh nhật đến cho nàng như lời tiên đoán của bà tiên đỡ đầu: “Người ấy sẽ là chồng của công chúa vì người ấy sẽ trao cho công chúa một món quà mang đến một vẻ đẹp huyền bí và sang trọng vào bậc nhất. Nó mang đến một chút bí ẩn và quyền lực cho những ai sở hữu nó. Đó chính là một hòn đá với màu sắc rất riêng mà chỉ có thể tồn tại trong truyền thuyết…một hòn đá mang đến hạnh phúc.”
Sinh nhật lần thứ 18 sắp đến và công chúa đã chờ đợi người ấy quá lâu, nàng không thể từ bỏ sự mong đợi của mình vào phút cuối. Nhưng công chúa cũng rất yêu hoàng tử!… làm sao đây?… cuối cùng, công chúa lâm bệnh nặng mà không thuốc thang nào hiệu nghiệm. Nàng ốm liệt giường và bất tỉnh cả tuần lễ nay. Hoàng tử rất đau khổ vì ngày ngày phải nhìn thấy vẻ mặt công chúa ngày càng xanh xao. Cuối cùng, chàng quyết định ra đi tìm hòn đá ấy vì chỉ có hòn đá ấy mới mang lại hạnh phúc cho công chúa, mặc dù biết rằng sau khi tìm thấy hòn đá ấy thì công chúa sẽ lấy một người khác và hoàng tử sẽ thua cuộc. Nhưng không còn cách nào khác, thà hi sinh mình chứ chàng không muốn nhìn thấy công chúa chết. Vậy là chàng đã ra đi, chàng đi đã rất lâu mà vẫn không tìm thấy thứ đá ấy. Cuối cùng, chàng gần như kiệt sức và số phận đã đưa chàng đến con suối nhỏ này.
Nghe câu chuyện cảm động ấy tự nhiên hòn đá chảy nước mắt. Hòn đá cũng biết khóc vì nó có linh tính. Không biết nó khóc bao lâu nhưng nước mắt của nó đã cuốn trôi bao nhiêu rong rêu lâu nay bám trên người nó để lộ ra những đường nét sắc sảo trên cơ thể nó. Dưới làn nước trong xanh, mát lạnh, vẻ đẹp của nó tỏa sáng lấp lánh và tinh khiết hơn bao giờ hết. Bất chợt, hoàng tử nhìn thấy nó làm người rất đỗi ngạc nhiên khi nhìn thấy một hòn đá với màu sắc kì lạ như vậy, người bước xuống suối và đến gần nó, chàng nhặt nó lên, ngắm nghía và chàng nhận ra đó chính là hòn đá mà công chúa chờ đợi. Ngay lập tức, hoàng tử mang nó về kinh đô, chàng giao nó cho một người thợ kim hoàn giỏi nhất để gọt giũa lại. Mấy ngày chịu đựng đau đớn đã qua, cuối cùng, Ngọc lục bảo đã về lại với chính mình, về lại với vẻ đẹp gần như hoàn hảo khi xưa. Nó được hoàng tử đem đến tặng cho công chúa. Rất khẽ, công chúa mở mắt ra, nàng nhìn thấy hòn đá ngay ngày sinh nhật của mình, nàng mỉm cười vì tấm lòng của hoàng tử, nàng khỏi bệnh!
Một tuần lễ sau, hai người tổ chức một lễ cưới rất đẹp và trang trọng. Công chúa không hề đeo bất kì trang sức nào ngoài chiếc nhẫn có đính một viên ngọc lục bảo. Ngọc lục bảo rất tự hào vì nó chính là món trang sức quí giá nhất được công chúa trân trọng đến thế. Ngay phút giây trọng đại nhất, bà tiên đỡ đầu xuất hiện, bà chúc công chúa một lời chúc cho hạnh phúc của hai người. Đoạn, bà đặt tay lên viên ngọc lục bảo và nói:”Không phải thời gian làm người ta lãng quên ngươi, Ngọc lục bảo ạ! Mà ngươi bị lãng quên vì ngươi không cố gắng tự làm mình tỏa sáng. Ngươi biết không, ngươi là một tạo vật của Thượng Đế. Không có một thứ gì Thượng Đế tạo ra lại vô dụng cả, ngươi quá tự ti và chính sự tự ti khiến ngươi không nhìn thấy cái đẹp trong chính ngươi. Có thể với người này ngươi không là gì cả nhưng với người khác ngươi lại có một ý nghĩa to lớn… và sự thật đã chứng minh điều đó”.
Nói xong, bà tiên biến mất, nhưng Ngọc lục bảo đã suy nghĩ rất nhiều. Từ đó, Ngọc lục bảo đã luôn tỏa sáng với một vẻ đẹp rất riêng, không lẫn lộn với bất kì thứ đá quí nào và nó đã được trân trọng cho đến ngày nay. Cuộc đời đẹp nhất khi chúng ta là chính mình và biết yêu quý bản thân mình.
“Mỗi người sinh ra đều có một ý nghĩa riêng, nếu không thế giới này đâu cần có nhiều người đến như vậy”…
Động cơ của một con tàu lớn bị hỏng. Người chủ tàu đã tìm hết chuyên gia này đến chuyên gia khác nhưng không ai biết cách sửa.
Rồi họ đưa tới một ông già, người biết sửa chữa tàu thuyền từ khi còn là một đứa bé. Ông ta mang theo một túi đồ nghề và khi đến, ông lập tức bắt tay vào làm việc. Ông xem xét kỹ chiếc tàu từ đầu đến cuối.
Hai người chủ tàu đứng đó, quan sát người đàn ông, hy vọng ông ta biết phải làm gì.
Sau khi kiểm tra mọi thứ, ông ta lấy túi đồ nghề và rút ra một cái búa nhỏ. Ông cẩn thận gõ nhẹ vào một cái gì đó. Ngay lập tức, động cơ hoạt động trở lại. Ông cất búa đi. Động cơ đã được sửa xong!
Một tuần sau, những người chủ tàu nhận được hoá đơn thanh toán giá 10.000 đô-la!
“Cái gì?”, chủ tàu thốt lên, “Ông ta hầu như chẳng phải làm gì cả!”.
Họ gửi cho ông một tin nhắn, “Làm ơn cho chúng tôi xem hoá đơn chi tiết.”
Và, họ nhận lại hoá đơn ghi: Đập búa: 2 đô-la. Tìm ra nơi cần đập: 9.998 đô-la
Nỗ lực là quan trọng. Nhưng biết đặt những nỗ lực của mình vào đúng chỗ, điều đó mới thực sự thay đổi cuộc sống của bạn.
Một người chủ gian hàng gửi con ông ta để học về bí mật của hạnh phúc từ một người thông thái nhất thế giới. Cậu bé vòng quanh qua một sa mạc trong bốn mươi ngày, và cuối cùng đến một lâu đài xinh đẹp, trên đỉnh một ngọn núi. Nơi nhà thông thái ở.
Tốt hơn là tìm một nguời thánh thiện, mặc dù vậy, người anh hùng của chúng ta, tiến vào phòng chính của lâu đài, thấy một sự ồn ào náo nhiệt của việc: những nguời trao đổi buôn bán vào ra, những người đang nói chuyện ở những góc phòng, một dàn nhạc đang hoà tấu nhạc nhẹ, và có một bàn chứa đầy những đĩa thức ăn tuyệt vời nhất của những vùng trên thế giới. Nhà thông thái trao đổi với mọi người, và cậu bé phải chờ hai giờ trước khi đến phiên cậu ta được sự chú ý của nhà thông thái.
Ông ta lắng nghe một cách cẩn trọng những gì cậu bé giải thích tại sao cậu đến, nhưng ông nói với rằng cậu không có thời gian, rồi thì ông sẽ giải thích với cậu bí mật của hạnh phúc. Ông ta khuyên cậu bé nên dạo vòng quanh cung điện và trở lại trong vòng hai tiếng đồng hồ. “Trong khi ấy, ta muốn yêu cầu cậu làm một việc”, nhà thông thái nói, đưa cho cậu bé một muỗng uống trà có hai giọt dầu . “Khi cậu dạo quanh, mang theo muỗng dầu này và không được phép để giọt dầu rơi rớt.” Cậu bé bắt đầu leo lên và đi xuống nhiều cầu thang của cung điện, giữ mắt trên muỗng dầu.
Sau hai giờ, cậu bé trở lại phòng của nhà thông thái. “À”, nhà thông thái hỏi, “cậu có thấy tấm thảm Ba Tư được treo trong phòng ăn của ta? Cậu có thấy khu vườn mà những nhà chuyên môn phải mất mười năm để tạo nên? Cậu có chú ý những quyển sách bằng da trong thư viện của ta không?”. Cậu bé giật mình oảng hốt, và thú thật rằng cậu không quan sát bất cứ thứ gì. Quan tâm duy nhất của cậu ta là làm thế nào để không làm rơi những giọt dầu mà nhà thông thái đã giao cho cậu. “Thế thì hãy trở lại và quan sát thế giới tuyệt vời của ta”, nhà thông thái nói. “Cậu không thể tin tưởng một người nếu cậu không biết nhà cửa của ông ta.”
An tâm, cậu bé cầm muỗng và trở lại khám phá cung điện, lần này quan sát xem xét tất cả những công trình nghệ thuật trên trần nhà và trên những bức tường. Cậu ta thấy ngôi vườn, những hòn non bộ chung quanh cậu, những đoá hoa xinh đẹp, và nếm thử mọi thứ cậu chọn lựa.
Khi trở lại với nhà thông thái, cậu ta kể lại mọi thứ chàng đã ngắm qua.
“Nhưng những giọt dầu ta đã giao cho cậu đâu?” nhà thông thái hỏi.
Nhìn xuống chiếc muỗng đang cầm, cậu bé thấy những giọt dầu đã biến mất tự bao giờ. “Ồ, đây là một lời chỉ bảo duy nhất mà ta có thể cho cậu”, nhà thông thái nhất trong những nhà thông thái nói. “Bí mật của hạnh phúc là thấy tất cả những điều kỳ diệu trên thế giới, và đừng bao giờ quên những giọt dầu trên muỗng.”
Con người chúng ta ai cũng bị ám ảnh bởi ý nghĩ “Ta phải hoàn hảo”. Có lẽ chính những suy nghĩ này đã khiến cho chúng ta không ít lần phải rên lên “Đời là bể khổ”. Ta luôn đấu tranh với bản thân để ngày càng tốt đẹp hơn. Nhưng là “nhân” thì “vô thập toàn”. Khi phạm sai lầm ta bị dằn vặt, lo sợ không còn được tôn trọng, tin tưởng. Sai lầm chỉ hữu ích khi nó khuyến khích ta tiến lên, ngược lại nó sẽ làm tê liệt con người với mặc cảm mình thật vô dụng, bất tài.
Chuyện kể rằng ngày xửa ngày xưa, có một vòng tròn. Vòng tròn ta rất tự hào về thân hình của mình, tròn một cách hoàn hảo đến từng milimét. Thế nhưng, một sáng nọ thức dậy, nó bỗng thấy mình mất một góc lớn hình tam giác. Buồn bực, vòng tròn tìm mảnh vỡ hình tam giác bị mất. Vì không còn hoàn hảo nên nó lăn rất chậm chạp. Nó bắt đầu ngợi khen những bông hoa dại đang tỏa sắc bên đường. Nó tâm tình cùng sâu bọ. Nó tận hưởng ánh sáng mặt trời ấm áp.Vòng tròn tìm được nhiều mảnh vỡ nhưng chẳng mảnh nào vừa cả. Nó lại tiếp tục tìm kiếm.
Một ngày kia nó tìm được một mảnh hoàn toàn vừa khít. Nó sướng đến run người. Giờ đây nó lại hoàn hảo như xưa. Nó ghép mảnh vỡ kia vào rồi lăn đi. Nhưng, ơ kìa! Sao nó lăn nhanh đến thế! Nhanh đến nỗi các bông hoa nhòe đi trong mắt nó, tiếng chuyện trò thì bạt đi trong gió.
Vòng tròn nhận ra thế giới xung quanh nó trở nên khác hẳn khi nó lăn quá nhanh. Nó bèn dừng lại, đặt mảnh vỡ bên đường rồi chầm chậm lăn đi! Nó đã biết cảm nhận bản chất thật sự của cuộc sống.
Bài học cái vòng tròn tặng tất cả chúng ta là: Thật kỳ lạ khi con người ta mất đi một cái gì đó lại thấy mình hoàn hảo. Một người có tất cả mọi thứ trên đời lại là kẻ nghèo túng. Bạn sẽ không biết thế nào là ước mơ, là hy vọng, là nuôi dưỡng vì một ngày mai tốt đẹp hơn. Bạn sẽ không bao giờ biết cảm giác sung sướng khi có ai đó yêu thương bạn và cho bạn cái bạn tha thiết mong muốn!
Cuộc sống không phải là cái bẫy để chờ chúng ta sa vào rồi kết tội.
Cuộc sống có chút gì đó như mùa bóng, khi đội mạnh nhất cũng có thể bị thua và đội yếu nhất cũng có những giây phút huy hoàng. Mục đích của chúng ta là thắng nhiều hơn bại.
Hãy biết chấp nhận sự bất toàn là một phần tất yếu của con người. Nếu ta đủ dũng cảm để yêu thương, đủ sức mạnh để tha thứ, đủ hào phóng để chia sẻ hạnh phúc cho kẻ khác, đủ thông minh để hiểu rằng tình yêu thương luôn bao bọc chúng ta. Khi ấy ta đã đạt đến sự toàn mỹ mà nhiều người chỉ dám mơ ước!
Một hôm gia đình nhà Rùa quyết định sẽ đi picnic. Và với bản tính chậm chạp của mình, chúng đã mất bảy năm để chuẩn bị mọi thứ và lên đường. Mất thêm hai năm nữa để tìm ra một chỗ cắm trại. Rồi thêm sáu tháng để dọn dẹp và bày biện các thứ.
Nhưng rồi gia đình Rùa phát hiện ra rằng chúng đã quên mang theo muối. “Một chuyến picnic mà không có muối thì chẳng còn gì là thú vị”, gia đình nhà rùa đồng ý với nhau như vậy.
Sau hơn một tháng tranh cãi, cuối cùng một con rùa trẻ nhất, nhanh nhẹn nhất được giao nhiệm vụ quay về nhà lấy muối. Vừa nghe vậy, con rùa được chọn đã bật khóc the thé, run rẩy thân hình trong chiếc vỏ, giãy nảy từ chối.
Rốt cuộc, nó cũng đồng ý đi về nhà lấy muối với một điều kiện: gia đình rùa không được phép ăn bất cứ thứ gì trước khi nó quay trở lại.
Họ nhà rùa đành phải đồng ý và con rùa nọ bắt đầu lên đường.
Nhưng rồi đã ba năm trôi qua mà con rùa nọ vẫn chưa quay lại. Rồi năm năm… chín năm, rồi mười bảy năm…Cuối cùng rùa bô lão không thể nhịn đói được nữa bèn cắn một miếng bánh sandwich cho đỡ đói.
Đúng lúc đó, con rùa vắng mặt mười bảy năm qua đột ngột thò đầu ra từ một lùm cây, hét lên the thé:
– Đó… đó… tôi biết mà! Tôi biết là mọi người sẽ không đợi mà sẽ ăn trước khi tôi quay lại mà. Thôi thôi, tôi không đi lấy muối nữa đâu…
—– Rất nhiều người trong chúng ta lãng phí thời gian để chờ đợi người khác thực hiện những điều mà chúng ta mong đợi. Rồi chúng ta quá lo lắng về những gì người khác đang làm đến nỗi không tự làm gì cho chính bản thân mình!
(Thầy chúng tôi, Thầy Nam Thanh Phan Quốc Sử lúc sinh tiền có vài câu tâm đắc để lại cho đời, xin trình bày ra đây để quý vị cùng suy gẫm).
1. Để thành công phải biết “Lấy ý người làm ý mình”.
2. Vô sở cầu, vô sở nguyện thì vô sở sợ.
3. Con Người và Vũ Trụ đều phải tu tiến.
Không tu cũng phải tu, không tiến cũng phải tiến.
Tất cả đều phải vào trường thi thử thách, không ai rớt cả.
4. Người ta không cần biết hết sở học của Bạn. Người ta chỉ muốn biết những gì người ta cần ở Bạn. Do đó Bạn hãy đổi cái người ta cần biết, lấy cái Bạn cần dùng.
5. * Con Người và Vũ Trụ Biến Hoá để làm gì?
– Tất cả Biến Hóa để Hoá Thành.
* Hoá Thành để làm gì?
– Hoá Thành để Biến Hoá tiếp tục.
6. Nếu có kiếp sau, Tạo Hóa không để cho ta đi con đường khốn nạn này nữa, vì đã đi rồi, mà sẽ cho đi con đường khác, có khi còn khốn nạn hơn.
7. Con Người và Vũ Trụ Dịch Biến để làm gì?
– Để ngày càng sáng tỏ Đạo Trời.
8. Sự tu học như bánh xe lăn trên mặt đường, vừa bám vừa buông: Không bám thì lêu bêu lạc lối, không buông thì ghì chặt cốc hấp, đều khó tiến nhanh xa đúng hướng được.
9. Lời nói là lời nói suông. Hành động mới là vấn đề.
10. Muốn lập Đạo tạo Đời, không thể không có Danh Lợi Tình chung tư mà nên được.
11. Học Dịch Lý được mất cái gì?– Được cái mình mất. – Mất cái mình được.
12. Không sợ người ta lợi dụng mình, chỉ sợ người ta không biết và không dám lợi dụng mình mà thôi.
13. Đa số thường sợ sống hơn sợ chết. Nên phải sống theo ý người.
14. Cọp có tu cũng không thể rút nanh vuốt; vì rút hết nanh vuốt thì không còn là cọp mà chỉ là bị thịt.
15. Tại saoVũ Trụ muôn loài chỉ có:
* Nhất Lý (Lý Đồng Nhi Dị) và
* Nhất Luật (Biến Hóa Luật)?
– Ví như rừng không hai cọp, nước không hai vua, một hệ thần kinh não tủy trung ương, nếu hai sẽ loạn.
16. Không một chiến thắng nào mà không mất mát. Không một kỳ diệu nào mà không có Tạo Hóa.
17. Lớn nuốt bé; khôn trên ngu là quy luật muôn đời.
Có một vị đại sư muốn chọn một đệ tử để truyền y bát.
Ông bảo hai đệ tử rằng: “Các con hãy ra ngoài và chọn về đây cho ta một chiếc lá đẹp nhất, hoàn mỹ nhất.” Hai đệ tử vâng lời thầy đi tìm lá.
Thoáng chốc, người em quay về và trình cho đại sư một chiếc lá không được đẹp lắm: “Thưa thầy, tuy chiếc lá này không phải là hoàn mỹ nhất nhưng nó là chiếc lá hoàn mỹ nhất mà con thấy”.
Người anh đi cả ngày trời và quay về với hai bàn tay trắng, người anh nói với vị đại sư: “Thưa thầy, con đã tìm và thấy rất nhiều lá đẹp, nhưng con không thể nào chọn được chiếc lá hoàn mỹ nhất.” Cuối cùng, vị đại sư đã chọn người em.
“Tìm một chiếc lá hoàn mỹ nhất”, chúng ta vẫn cứ luôn nghĩ đến việc “hoàn mỹ nhất” nhưng nếu bạn cứ một mực đi tìm mà không nhìn vào thực tế, không so sánh với thực tế thì bạn cứ phải vất vả để rồi… trắng tay. Cho đến một ngày nào đó, bạn mới phát hiện rằng: Chỉ vì mãi đi tìm một chiếc lá hoàn mỹ nhất mà bạn đã bỏ qua biết bao cơ hội lớn một cách đáng tiếc!
Trong cuộc sống chúng ta, không nhất thiết cứ phải theo đuổi những thứ hoàn mỹ mà chỉ cần bình tâm lại, từng bước từng bước tìm chiếc lá mà bạn cho rằng là hoàn mỹ nhất.
Có một ngân hàng, mỗi buổi sáng, cung cấp vào tài khoản của bạn 86.400 USD.
Số dư trong tài khoản không được phép chuyển từ ngày này qua ngày khác.
Mỗi buổi chiều, ngân hàng sẽ hủy bỏ hết số dư còn lại mà bạn đã không dùng hết trong ngày.
Bạn sẽ phải làm gì? Sử dụng hết số tiền đó, dĩ nhiên! Mỗi người trong chúng ta đều có một ngân hàng như vậy. Tên ngân hàng là THỜI GIAN.
Mỗi buổi sáng, ngân hàng này cung cấp cho bạn 86.400 giây.
Vào mỗi buổi tối, ngân hàng sẽ xóa bỏ, coi như bạn mất, thời gian mà bạn không đầu tư được vào các mục đích tốt. Ngân hàng không cho phép bạn được để lại số dư trong tài khoản. Cũng không cho phép bạn bội chi.
Mỗi ngày, ngân hàng lại mở một tài khoản mới cho bạn. Mỗi tối nó lại hủy hết những gì còn lại trong ngày. Nếu bạn không dùng được hết thời gian mà bạn có trong ngày, người bị mất chính là bạn.
Không có chuyện quay lại ngày hôm qua. Không có chuyện tiêu trước cho “ngày mai” Bạn phải sống bằng những gì bạn có trong tài khoản ngày hôm nay. Hãy đầu tư vào đấy bằng cách nào đó, để bạn có thể nhận được nhiều sức khỏe, hạnh phúc, và thành công nhất!
Đồng hồ vẫn đang chạy.
Hãy cố thực hiện thật nhiều trong ngày hôm nay.
Để biết được giá trị của MỘT NĂM, hãy hỏi một học sinh bị ở lại một lớp.
Để biết được giá trị của MỘT THÁNG, hãy hỏi một người mẹ sinh con thiếu tháng.
Để biết được giá trị của MỘT TUẦN, hãy hỏi biên tập viên của một tuần báo.
Để biết được giá trị của MỘT GIỜ, hãy hỏi những người yêu nhau đang mong chờ được gặp nhau.
Để biết được giá trị của MỘT PHÚT, hãy hỏi một người bị lỡ chuyến tàu.
Để biết được giá trị của MỘT GIÂY, hãy hỏi một người vừa thoát khỏi một tai nạn.
Để biết được giá trị của MỘT PHẦN NGÀN GIÂY, hãy hỏi người vừa nhận được huy chương bạc trong kỳ thi Olympic.
Hãy quý trọng từng giây phút mà bạn có! Và hãy nên quý thời gian hơn nữa. Bởi vì bạn đang chia sẻ thời gian đó với ai đấy thật đặc biệt đối với bạn, đủ đặc biệt để có thể chia sẻ thời gian của bạn.
Và hãy nhớ rằng thời gian chẳng chờ đợi ai cả. Ngày hôm qua đã là lịch sử. Ngày mai là một bí ẩn. Hôm nay là quà tặng. Cũng vì vậy mà nó được gọi là PRESENT! (có nghĩa là HIỆN TẠI, mà cũng có nghĩa là QUÀ TẶNG ).
Bạn bè thật sự là một loại nữ trang quý hiếm. Họ khiến bạn mĩm cười và khuyến khích bạn thành công. Họ lắng nghe bạn, họ chia sẻ với bạn những lời khen tặng, và họ luôn muốn mở trái tim ra với chúng ta.
Hãy gởi những lời này đến với ai mà bạn xem như BẠN MÌNH, và nếu những dòng này lại trở về với bạn, bạn ắt biết rằng bạn đang có một vòng tròn bạn hữu.